TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 85 CN 13.05.2007

 

Web site : www.tinvui.org

E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

Mục lục

Chúa Nhật VI Phục Sinh.

HÃY GIỮ LỜI THẦY..

Lm. Nguyễn Đức Trung.

VƯỜN HOA BÉ NHỎ..

Ðã có hơn 65,000 người đăng ký tham gia Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney.

Tình hình Công giáo hiện nay tại nước Ba Tây nơi ĐGH bắt đầu cuộc tông du.

Chương trình chi tiết chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI tại Brazil (từ ngày 9 đến 14 tháng 5 năm 2007).

Hiện tình sống của chị em phụ nữ trên thế giới

GIÁO XỨ BÌNH THUẬN ĐÓN MỪNG VỊ CHỦ CHĂN MỚI.

Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Dâng Lễ Mừng Bổn Mạng Giới Doanh Nhân Công Giáo Sài Gòn.

Con đường nào bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình?.

LỄ ĐỨC MẸ PHATIMA 2007.

CẦU NGUYỆN THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ..

CHƯA LÀM PHÉP CƯỚI MÀ ĂN Ở VỚI NHAU NHƯ VỢ CHỒNG CÓ TỘI KHÔNG ?.

KHI RA KHỎI CUỘC ĐỜI NÀY, LINH HỒN CỦA NHỮNG NGƯỜI CHƯA BIẾT CHÚA ĐI VỀ ĐÂU ? 

GHI NHẬN TỪ TUẦN TĨNH TÂM LINH MỤC ĐÀ LẠT..

DẤU CHỈ MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ..

*SỐNG ĐẠO TRONG MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ.

ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI TRE FONTANE, NGOẠI Ô ROMA..

Tâm lý Giáo dục :  NIỀM VUI VÀ KHOÁI LẠC?.

THÁNH LỄ VÀ ĐỒNG 50 RÚPPI.

 

SỐNG LỜI CHÚA

Chúa Nhật VI Phục Sinh

Ga 14, 23-29

"Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con.  Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".  Đó là lời Chúa.

 

HÃY GIỮ LỜI THẦY

 

Trong một lần đi thăm trung tâm xã hội Campuchia cách đây gần chục năm, chúng tôi có đến một nơi chăm sóc các anh chị em đang mang căn bệnh thể kỷ thời kỳ chót. Không khí ảm đạm, những cái nhìn vô vọng về một nơi xa xăm, nhưng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt, những ánh mắt long lanh đan xen giữa hy vọng và sự sợ hãi. Chúng tôi ngỏ lời hỏi thăm vì biết rất nhiều người ở đó là người Việt Nam. Có một anh đã thì thào và ghi lại cho tôi một địa chỉ xin hãy chuyển tên và lời xin lỗi đến người thân ở phía Bắc, vì anh không có thể thư về cho họ được nữa, và anh hiểu trung tâm này sẽ là nơi anh yên nghỉ. Anh như năn nỉ tôi hãy nhớ đừng quên. Khi sửa soạn rời khỏi trung tâm, những ánh mắt đó lại như van lơn, mong muốn chúng tôi đừng đi và mong muốn chúng tôi đừng quên những gì họ đã ký gởi. Chắc đến nay nắm tro tàn của anh đã im lặng nơi lòng đất lạ, nhưng những hình ảnh và những lời ký thác của anh vẫn vấn vương đâu đó trong ký ức của tôi.

 

Là Kitô hữu từ thuở bé tới giờ, chắc chắn đã nhiều lần chúng ta nghe những lời tâm tình ký gởi của Chúa Giêsu đã tín nhiệm giao cho chúng ta, những lời tâm huyết mà chính Ngài đã xác nhận, không nhẹ ký vì nó chuyển tải một kho tàng thiêng liêng. Những lời Ngài nói không chỉ là của Ngài mà là của Cha, Đấng đã sai Ngài và chính trong tình yêu thông hiệp của Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và làm chúng ta hiểu. Vậy giữ lời Thầy là những điều nào, vì ba muơi ba năm Chúa đã ở nơi dương gian này, nhiều điều Chúa đã nói, thật là nhiêu khê, nhưng chắc chắn điều Chúa truyền dạy không gì khác hơn là để mọi người nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân từ, Thánh Thần Chúa là tình yêu, Ngài là Đấng cứu chuộc, mọi người là anh em, và phải đi đến hệ luận thực hành là kính mến Chúa, yêu thương người, như Ngài đã yêu thương họ đến cùng, thì Ngài cũng mong muốn chính những người đã được Ngài yêu mến hãy đáp trả lại cho Ngài giống i như thế.

 

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể lại trong bầu khí của một giai đoạn quyết liệt mà chính Ngài quyết tâm thực hiện cho đến cùng. Sẽ có cuộc chia ly người đi kẻ ở lại, một cuộc ra đi về với Cha, điều mà các môn đệ không hề nghĩ đến vì các ông vẫn tưởng Ngài đến thế gian này là để thống trị chứ không phải là đến để rồi chết hay đi đâu cả, trong khi Chúa không hề che dấu điều gì về sứ vụ của mình. Chính vì vậy để tránh kiểu ông nói gà bà nói vịt, bằng những lời chân tình, Ngài bày tỏ sứ vụ của mình qua hình ảnh như Ngài ở trong Cha và Chúa Thánh Thần, để mọi người thấy Thiên Chúa luôn ở trong tình yêu, và là nguyên lý cho mọi người đi đến. Phải đi trong tình yêu, nghĩa là đi trong Chúa chúng ta mới đạt đến cùng đích cuộc sống. Giữa sự thánh thiêng và phàm nhân luôn có một khoảng cách nhất định, tuy nhiên chính ơn cứu chuộc của Đức Kitô làm cho khoảng cách này được nối kết, xoá bỏ. Nhưng vì con người vẫn còn ở dưới thế, cuộc hành trình đi lên của chúng ta vẫn nhiều chông gai. Chúa thấu hiểu điều đó nên Ngài đã ban bình an, một nguồn bình an thật, làm cho chúng ta dù có chao đảo nhưng không nghiêng đổ, dù có sợ sệt nhưng không hãi hùng, dù có hay quên nhưng vẫn nhớ tuân giữ lời Ngài và thực thi lời Ngài : “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy” vẫn vang vọng trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, tuy nhiên nhiều khi chính trong chúng ta có cái khập khiễng có thể yêu Chúa nhưng không bao giờ giữ lời Chúa, hoặc giữ lời Chúa dạy nhưng lại  không yêu mến Chúa. Các số liệu thống kê của giáo hội tại Âu châu phần nào cũng cho chúng ta thấy tình trạng này, đó chính là bài học để chúng ta xét mình về việc sống đạo. Chuyện đã có bên Tây cũng là chuyện của chúng ta, nếu chúng ta nghiêm túc xem xét lại, và thử rảo quanh bên ngoài các nhà thờ Công giáo vào ngày Chúa nhật. Chuyện gì đang xảy ra, thái độ không nghiêm túc của rất nhiều người đi tham dự đang bôi đen đi hình ảnh đẹp thờ phượng của Kitô hữu, đó là chưa kể đến việc sống đạo trong đời thường, những xung khắc vẫn xảy ra nơi cộng đoàn xứ đạo và nhiều người chỉ giữ đạo vào những mùa vui, lễ hội, chưa kể đến những phát triển xã hội sẽ có những khoảng trống trong niềm tin, thoái thác những ràng buộc để tự do hơn. Chuyện yêu mến Thầy và giữ lời Thầy sao nó nặng nề, sao nó rắc rối, cái mà chúng ta cảm thấy nguy đó khi những lối sống này đang trở thành thói quen xấu và đang có những sự lây lan, liều thuốc nào đó để ngăn chăn, vắc xin nào tăng sức đề kháng, tất cả đã có nơi chúng ta, chả lẽ chúng ta chấp nhận bệnh khi chúng ta có cả một vườn thuốc đặc trị !

 

Ánh mắt của Chúa khi trao cho người phụ nữ ngoại tình, không kết tội mà nói : “Con hãy về đi và đừng phạm tội” sao nhân từ quá. Chúa nhìn Phêrô khi Phêrô vừa bai bải chối Thầy, làm Phêrô đấm ngực khóc than sám hối. Mới thoáng qua chúng ta nghĩ cách đơn giản rằng Chúa yêu họ cách riêng, nhưng thực ra sau ánh mắt là bài học: con hãy giữ lời Thầy đừng phạm tội, đừng cao ngạo. Cái ánh mắt của anh thanh niên trong trung tâm xã hội kia, chỉ mong tôi giữ lời và thực hiện hộ cho anh điều mà anh muốn làm, hôm nay vì đau bệnh không thể làm được nữa, nó tha thiết làm ray rứt chính  chúng tôi, hôm nay không phải bằng ánh mắt, mà bằng chính lời của Chúa đang thân tình nói với chúng tôi rằng : “Ai yêu mến Thầy, hãy giữ lời Thầy” chả lẽ không đủ đánh động tôi và mọi người nghiêm chỉnh thực thi sao ?

 

Lm. Nguyễn Đức Trung

 

TU ĐỨC

 

 

VƯỜN HOA BÉ NHỎ

 

Tháng Năm là tháng dâng hoa, các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam có thói quen thực hiện lễ nghi dâng hoa kính Đức Mẹ, lễ nghi bình dân này gây nên bầu khí đạo đức tươi vui, đoàn con xung quanh Mẹ. Mẹ âu yếm phủ tình mẹ trên đoàn con.

 

Nhìn cảnh đầm ấm này, tôi nghĩ về tôi. Tôi không có hoa. Tôi không là hoa.

 

Nhưng tôi muốn dâng Mẹ cái gì thành thực nhất của tôi.

 

Một thoáng tìm tòi, tôi tự thấy mình là một mảnh vườn bé nhỏ. Có thể là vườn sắp có hoa. Có thể là vườn đợi có trái. Cũng có thể là vườn chỉ rau với cỏ.

 

Nhưng để là vườn có hoa, có trái, có rau, hầu dâng kính Mẹ và phục vụ cộng đoàn, tôi phải chăm sóc mảnh vườn là bản thân mình..

 

Chăm sóc thế nào, đó là chuyện thiết tưởng ai cũng biết. Nhưng tôi xin phép chia sẻ đôi chút. Biết đâu chia sẻ cũng là một cách cùng nhau quây quần bên Mẹ.

 

Chăm sóc mảnh vườn tâm hồn cũng giống như chăm sóc mảnh vườn trồng cây.

 

  1. Phải dọn đất và chọn giống

 

Về việc dọn đất, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã có lần đề cập tới. Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu phân ra mấy loại đất sau đây : Đất vệ đường, đất pha đá sỏi, đất bụi gai, đất tốt ( x Mt 13, 4-9).

 

Kinh nghiệm cho thấy : Tâm hồn chúng ta xét về khả năng đón nhận cũng có thể phân loại như thế. Nhưng chẳng may, người ta ít quan tâm đến điều đó. Chúng ta đoán thế này thế nọ về tâm hồn người khác.

 

Nhưng chính chúng ta lại không để ý về tâm hồn mình. Hoặc có để ý, nhưng lại nhận xét sai. Tâm hồn rất gai góc, sỏi đá, mà vẫn cứ tự hào là đất tốt.

 

Muốn tâm hồn mình là mảnh vườn tốt, chúng ta phải khiêm tốn cầu nguyện, khiêm tốn hồi tâm, khiêm tốn để Chúa đào xới cho sâu, chúng ta mới có khả năng đón nhận các hạt giống gieo vào.

 

Hạt giống cũng cần được chọn lựa. Chỉ nhận những hạt giống chắc chắn là tốt mà thôi.

 

Sở dĩ tôi nói như vậy, là vì hiện nay có quá nhiều hạt giống gieo vào lòng người, mà không phân biệt tốt xấu. Ngay về nhân bản cũng đáng bi quan. Những hạt giống tốt như lễ độ, trách nhiệm, lương tâm, nhân, nghĩa, lễ, trí tín, xem ra dần dần trở nên hiếm. Đang khi đó, những hạt giống xấu như vô lễ, bất hiếu, gian dối, ích kỷ, ghen tương thù ghét sao mà nhiều thế ! Sao chúng được gieo vào tâm hồn người ta dễ dàng và được đón nhận dễ dàng đến thế.

 

Việc dọn đất và chọn giống tốt là điều phải thực hiện đầu tiên cho mảnh vườn tâm hồn. Tiếp theo là việc chăm sóc.

 

  1. Phải để ý chăm sóc và kiên trì

 

Bầu khí thiên nhiên ô nhiễm hại cho vườn rau, hoa trái thế nào, thì bầu khí tâm lý ô nhiễm cũng hại cho mảnh vườn tâm hồn như vậy.

 

Bầu khí tâm lý là những gì mắt ưa nhìn, tai thích nghe, miệng hay nói. Nếu những thứ ấy tốt, thì chúng sẽ tạo ra bầu khí  tâm lý tốt. Nếu những thứ đó không tốt, thì chúng sẽ tạo ra bầu khí tâm lý xấu. Bầu khí tâm lý tốt hay không tốt sẽ ảnh hưởng đến những hạt giống mọc lên trong mảnh vườn tâm hồn.

 

Nhiều thứ xấu cũng sẽ mọc lên trong trí vẽ, trí nhớ, trí khôn, lòng muốn.

Nếu chúng ta quen hướng ngoại, thì sẽ rất ngại hướng nội, để xem xét bầu khí tâm lý và nhổ cỏ dại trong mảnh vườn tâm hồn mình. Việc tưới mát cho cây cũng chẳng còn để ý.

 

Trong tình trạng như thế, mảnh vườn tâm hồn sẽ xuống cấp về mọi mặt. Sau cùng, vườn hoa mà không có hoa, vườn trái mà không có trái, vườn rau mà không có rau.

 

Một số người chúng ta biết trước điều đó, nên muốn mảnh vườn tâm hồn phải phát triển theo ý mình, không đợi thời gian. Đó là chủ thuyết duy ý chí. Chủ thuyết này không thể áp dụng trong lãnh vực trồng trọt, dù là trồng trọt hoa trái, rau cỏ, dù là trồng trọt các nhân đức.

 

Sau cùng, người chăm sóc mảnh vườn tâm hồn cần tỉnh thức khôn ngoan.

 

  1. Phải tỉnh thức khôn ngoan

 

Người làm vườn trồng hoa trái rau thường biết khôn ngoan và tỉnh thức.

 

Họ biết là ánh sáng dù pha bng tối cũng cần cho vườn. Họ cũng biết đối phó với gió bão để bảo vệ vườn. Họ cũng biết không phải cỏ nào cũng hại cho vườn.

 

Sự tỉnh thức và khôn ngoan của người làm vườn trồng hoa trái rau cũng là những bài học cho những ai làm vườn tâm hồn.

 

Cả hai loại người cũng phải trải qua những thử thách, có khi cả những thất bại. Nhưng chính nhờ vậy mà vườn của họ lại là những bài học, và chính họ là những người được dạy dỗ.

 

Với những suy nghĩ như trên, loại người tuổi tác như tôi thấy mình được an ủi, khi  dâng cho Mẹ mảnh vườn tâm hồn mình.

 

Tâm hồn tôi chỉ là một mảnh vườn rất bé nhỏ. Chính Chúa đã gieo trồng trước. Rồi đến lượt cha mẹ. Sau cùng Chúa giao trách nhiệm cho tôi.

 

Cuối đời, tôi thấy mình chẳng có công gì. Lại còn nhiều thiếu sót. Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là suốt đời chỉ cố gắng tìm hiểu ý Chúa. Mẹ đã bên cạnh tôi.

 

Xin Mẹ thương làm cho vườn này được mãi thuộc về Chúa.

 

Xin Mẹ cho nó luôn trong nguồn tưới mát của tình yêu thương xót Chúa.

 

Xin Mẹ cho nó nên giống mảnh vườn cây Dầu xưa, nơi dâng lên lời cầu phó thác : “ Cha ơi ! Xin đừng làm theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mọi đàng”. ( Mc 14, 36)

 

Xin Mẹ giúp con tạ ơn Chúa đến muôn đời.

 

ĐGM GB. Bùi Tuần

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Ðã có hơn 65,000 người đăng ký tham gia Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney

 

Sydney, Australia (Zeinit ZE07050602 Ngày 6/05/2007) - Sau gần 50 ngày bắt đầu nhận đăng ký tham dự Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới, (tính cho đến ngày 6/05/2007), đã có hơn 1,000 phái đoàn với tổng số khoảng 65,000 người đăng ký tham gia Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008 tại Sydney, Australia. Số người đăng ký tham dự đông nhất là đến từ Hoa Kỳ.

Ông Danny Casey, Trưởng ban Ðiều hành Tổ Chức Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney cho biết, "Chúng tôi dự tính sẽ có khoảng 200,000 người đăng ký chính thức tham gia Ðại Hội, và chúng tôi cũng chuẩn bị để có thể tiếp đón khoảng 500,000 người tham dự mỗi biến cố sinh hoạt trong suốt thời gian Ðại Hội".

Sau Hoa Kỳ, số người đăng ký tham gia Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 đông thứ hai là đến từ Australia, tiếp đến là Canađa, Ðức và Phi Luật Tân. Tất cả những quốc gia này là những nơi đã từng tổ chức các Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới trước đây. Ðược biết, Hoa Kỳ đã từng tổ chức Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Thành Phố Denver từ ngày 10-15/8/1993. Phi Luật Tân tổ chức tại Thành Phố Manila từ ngày 19-24/8/1995. Pháp tổ chức tại Thành Phố Paris từ ngày 17-24/8/1997. Ý tổ chức tại Thành Phố Rôma từ ngày 15-20/8/2000. Canađa tổ chức tại Thành Phố Coronto từ ngày 23-28/7/2002. Ðức tổ chức tại Thành Phố Cologne từ ngày 16-21/8/2005. Và lần tới, Australia sẽ tổ chức tại Thành Phố Sydney từ ngày 15-20/7/2008.

 

Tình hình Công giáo hiện nay tại nước Ba Tây nơi ĐGH bắt đầu cuộc tông du


BA TÂY – ĐTC Benedictô XVI khởi sự cuộc thăm viếng quốc gia Ba-Tây (Brazil), một quốc gia có đông người Công giáo nhất Nam Mỹ có tới 124 triệu người Công giáo trong tổng số 184 triệu dân, tức là 68% dân số (theo thống kê chính thức của Vatican).


Thêm vào đó, Ba Tây cũng là quốc gia có tới 269 giáo phận, với 429 giám mục, trên 18,000 linh mục, trên 2,600 nam tu sĩ và gần 34,000 nữ tu trông coi mục vụ cho gần 10,000 giáo xứ và cả ngàn nhà thương, y viện, trường học, trung tâm mục vụ, v.v...

 

Nếu tính về người Công giáo ở Nam Mỹ châu thì họ chiếm (1/2) nửa dân số Công giáo trên toàn thế giới. thế nên cuộc tông du đầu tiên của Đức Benedictô mang một ý nghĩa rất trọng đại và có ảnh hưởng lâu dài tới công việc truyền giáo và việc sống đạo cho lục địa Công giáo Mỹ châu.

 

Hiện nay Giáo hội tại Ba-Tây nói chung và Nam Mỹ nói riêng đang phải đương đầu với vấn đề làm sao thu hút được dố người Công giáo trong vòng nửa thế kỷ qua đã từ từ rời xa Giáo hội và đi theo các hệ phái Tin lành; làm sao củng cố được sức mạnh nội tâm của mình để phục hoạt nếp sống đạo có hữu; làm sao đươgn đầu với các hình thức rao giảng đạo mới và hình thức quảng bá đạo theo kiểu Thánh Linh hay Linh ứng đặc sủng mà người Tin Lành đang sử dụng để lôi kéo người Công giáo theo họ. Thêm vào đó là các ý thức hệ xã hội và trào lưu thần học giải phóng đã từ lâu được rao truyền mạnh mẽ tại Mỹ châu La Tinh cũng có sức ảnh hưởng mạnh tới người Nam Mỹ, tỉ dụ như các Cộng đoàn Công giáo nền (Communautés de base) mà cách đây 4 thập niên đã được phát động do các nhà cải cách thần học giải phóng và cao trào của các chính trị gia Công giáo xã hội thiên tả đề ra.

 

Cho nên, nhưng lời tuyên bố và minh định lập trường của Đức Thánh Cha Benedictô sẽ là một thử lửa và là thách đố cho đường hướng sống đạo và truyền giáo tại Nam Mỹ trong các thập niên tới đây, đặc biệt là về khía cạnh tín lý, phụng tự và nhập cuộc của Giáo hội để làm thăng tiến khói dân nghèo Nam Mỹ.

 

Là vị Giáo hoàng có một trí thông minh tuyệt vời và đã từng cầm cân nảy mực về giáo lý và tín điều truyền thống của Giáo Hội, chính Đức Benedictô XVI khi còn làm Tổng trưởng Thánh Bộ Đức Tin ở Giáo triều Roma, Ngài đã từng lên án và của trách các thàn học gia giải phóng tại miền Nam Mỹ và cho rằng sự nhập cuộc của các thần học gia giải phóng khi nhấn mạnh tới chủ thuyết là Giáo hội cần dấn thân hành động chính trị để giải phóng người nghèo và tranh đấu cho công lý là không phải sứ mạng của Giáo hội. Giáo hội có thể lên tiếng bênh vực công lý cho người ngheò, nhưng nhập cuộc vào đảng phái chính trị và tranh đấu quyết liệt thì không phải là vai trò của Giáo hội!


Cho nên, trong mấy ngày tới đây khi Đức Giáo Hoàng đến Ba Tây và gặp gỡ với các giám mục, linh mục, tu sĩ và từng trăm ngàn giáo dân Ba tây và Nam Mỹ, nhiều người Công giáo ở đây vẫn thao thức về vấn nạn là: Đức Thánh Cha Benedictô XVI sẽ đưa ra hướng đi nào mới không? Liệu Ngài có chấp nhận những cách hành đạo và nghi lễ khác biệt không? Hay là các khẳng định của Ngài về tín lý và giáo thuyết của Giáo hội sẽ càng làm cho giáo dân xa với hơn với Giáo hội tại đây?


Trong những năm gần đây, vì nhu cầu muốn lôi kéo số tín hữu Công giáo ở lại trong đoàn chiên, nhiều linh mục Ba tây đã bắt chước những kiểu truyền giáo và giảng đạo giốn gnhư các mục sư Tin Lành, có nghĩa là họ dùng các hình thức ca hát, nhảy múa, kích động, có khi linh mục vừa giảng thuyết vừa hát và gây kích động dân chúng theo kiểu một tài tử hay ca sĩ “sao” với quần áo mầu mè, đàn nhạc kích động, và nhất là sứ điệp của lời giảng có tính cách làm cho người nghe cảm thấy “thoải mái, cảm thấy an phận, có cảm giác tốt” nhưng có khi xa với với sứ điệp đích thật của Phúc Âm.

 

Thế nhưng cách giảng thuyết “mầu mè” này thực sự lại lôi cuốn dân chúng, và có những linh mục có thể mỗi tuần thu hút cả từng chục ngàn người tới nghe giảng, nhảy múa, xung động, nước mắt tràn trề, thân hình run rẩy vì bị kích động cùng tột!


Trường hợp LM Padre Marcelo Rossi vừa giảng vừa bá`n CD, và mỗi tuần lôi kéo cả 5000 người! Nhu cầu người nghe quá nhiều nên mới đây đã cắt băng bắt đầu khai trương xây dựng một giáo đường mới, dự trù cho 25,000 người và bên ngoài quảng trường chung quanh nhà thờ có sức chứa tới 75,000 người.

 

Các kiểu phụng tự “Thánh Linh” như vậy đang mọc lên và lôi kéo quần chúng dân Mỹ châu La tinh. Giáo hội cho biết mỗi năm giáo hội mất đi chừng 1% tín đồ của mình vào tay nhưng nhà truyền giáo Tin Lành.


ĐHY Claudio Hummes, nguyên Tổng giám mục Sao Paulo (Ba tây) và hiện là viên chức cao cấp tại Vatican cho biết vào năm 1991 dân số Công giáo chiếm chừng 83% nhưng vào năm 2005 tụt xuống chỉ còn 67%.

 

ĐHY Hummes cũng cho biết thêm rằng cứ 1 linh mục Công giáo hiện nay thì có tới 2 mục sư Tin Lành truyền giáo trong đát nước Ba Tây!

 

Phía bảo thủ và cấp tiến Công giáo đều cho rằng các hình thái phụng vụ theo kiểu “Thánh Linh Tin Lành” thì thật không xứng hợp và bất xứng với nghi lễ Công giáo, có tính cách giáo phái, quá “tin lành” và đi xa hơn là hình thức “cultish”, (nhóm chuyên biệt tôn giáo bí nhiệm). Họ cho rằng đường hướng ‘thần học” của các nhóm này có vẻ mị dân, là một thứ “thần học thịnh vượng”, hứa hẹn phần thưởng vật chất cho những ai đóng góp tiền bạc nhiều cho người rao giảng hay giáo phái!


Hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm là Đức Phaolô VI và Gioan Phalô II công nhận giá trị của phong trào Thánh Linh, Đức Benedictô XVI khi còn là hồng y Ratzinger cũng công nhận, nhưng Ngài có những dè dặt và đưa ra những điều kiện về tín lý/


Đức Benedictô đã từng tỏ thái độ không mấy thỏa mãn về Giáo hội tại Nam Mỹ, đặc biệt về lý thuyết của thần học giải phóng, một trào lưu phát sinh từ thập niên 1960 và 1970, bị ảnh hưởng bời chủ thuyết Cộng sản Mac-xít. Giáo Hội đã mất công nhiều để tẩy trừ những sai lạc của phong trào cách mạng giải phóng kiều này!


Vào tháng 3 năm 2006 khi Đức Benedictô quyết định đưa ra những nhận định kỳ luật thần học gia LM Jon Sobrino, người Tây Ban Nha hiện sống ở El Salvador, đã làm bùng lên những công kích đáng kể tại Nam Mỹ.


Chúng ta cũng nhớ lại thần học gia giải phóng Leonardo Boff, một linh mục đã hồi tục, cũng là người Ba tây, là người có thể nói khởi sự nền thần học giải phóng ở Nam Mỹ. Boff đã bị kỷ luật bởi Đức Benedictô XVI khi đó còn là hồng y Ratzinger.

 

Ngoài các thực tế về tình trạng chính trị bất ổn và các trào lưu tôn giáo theo chiều hướng mới ở Nam Mỹ, ĐTC Benedictô XVI trong chuyến thăm viếng lần này còn phải đối điện với cảnh nghèo khó của dân chúng tại Nam Mỹ nữa. Tại Nam Mỹ, sự giầu có và quyền lực ở trong tay một thiểu số quan quyền ở thượng tấng xã hội, ước tính cho biết ở trong tay thiểu số từ 6-10%, đang khi đó đại đa số dân chúng sống trong nghèo đói.

Đức Benedictô cùng với các Giám Mục Nam Mỹ phải tìm ra cách thế mới để đưa ra một sứ điệp khả tín và lôi kéo được số đông người nghèo này về với Giáo hội.


Dĩ nhiên ĐTC Benedictô XVI đã biết rất rõ về tình trạng nghèo và những khủng hoảng ở Nam Mỹ. Ba tháng trước đây khi có cuộc gặp mặt với các Sứ Thần Tòa Thánh vùng Nam Mỹ, ĐTC đã khuyến khích rằng Giáo hội cần phải đứng về phía người nghèo, phải liên kết với họ. Ngài tuyên bố rằng: “Giúp người nghèo và cuộc chiến chống lại nạn nghèo đang và sẽ còn là ưu tiên căn bản trong đời sống của các Giáo Hội tại Mỹ châu La Tinh”.


Tuy nhiên, ĐTC Benedictô XVI cũng nhấn mạnh khía cạnh khác là “tầm quan trọng trong việc đào tạo thiêng liêng và tín lý vững mạnh” trong lòng người tín hữu và nhu cầu “cuộc chiến chống lại sự bành trướng của các giáo phái, ngày càng tạo ra ảnh hưởng lớn trong một xã hội mà chủ thuyết trần tục hậu tân tiến có vẻ không tưởng và hứa hẹn trống rỗng ngày nay”.


Cách cụ thể hơn ĐTC Benedictô sẽ đặt nhu cầu nền tảng của gia đình Công giáo tại Mỵ châu La tinh, trong đó điểm nhấn là chống lại nạn “phá thai” và “các cuộc hôn nhân không truyền thống”. Đặc biệt và khẩn thiết hơn là việc “đào tạo các linh mục mới cần phải tránh xâm mình vào địa hạt chính trị” (Lời ĐTC bằng tiếng Anh như sau: “they must avoid ‘the political realm’” ).

 

 

Chương trình chi tiết chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI tại Brazil (từ ngày 9 đến 14 tháng 5 năm 2007).

 

- Thứ Tư, ngày 9/05/2007:

Tại Fiumicino, Rôma, Italia:

9:00 - Từ Phi Trường Quốc Tế Fiumicino ở Rôma, Ðức Thánh Cha đáp máy bay đi São

Paulo/Guarulhos, Brazil.

Tại Guarulhos, Brazil:

16:30 - Máy bay của ÐTC đến Phi Trường Quốc Tế São Paulo/Guarulhos, Brazil. Ðức Thánh Cha đọc bài diễn văn mở đầu chuyến viếng thăm tại Phi Trường.

17:30 - Từ Phi Trường Quốc Tế São Paulo/Guarulhos, Ðức Thánh Cha di chuyển bằng Máy Bay Trực Thăng, đến Phi Trường Campo Marte ở São Paulo.

18:00 - Ðức Thánh Cha đến Phi Trường Campo de Marte ở São Paulo. Chính Quyền địa phương tiếp đón Ðức Thánh Cha tại Phi trường.

18:10 - Từ Phi Trường Campo de Marte ở São Paulo, Ðức Thánh Cha di chuyển bằng xe riêng "popemobile" tới Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

Tại São Paulo, Brazil:

18:45 - Ðức Thánh Cha đến Ðan Viện São Bento ở São Paulo. Ðức Thánh Cha đọc bài diễn văn chào thăm và Ban Phép Lành cho dân chúng tại Ban Công Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

 

- Thứ Năm, ngày 10/05/2007:

8:00 - Ðức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ riêng tại Nhà Nguyện của Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

10:30 - Từ Ðan Viện São Bento, Ðức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi tới Palacio dos Bandeirantes ở São Paulo.

11:00 - Ðức Thánh Cha viếng thăm Tổng Thống Brazil tại Palacio dos Bandeirantes ở São paulo.

12:00 - Ðức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi, từ Palacio dos Bandeirantes tới Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

12:30 - Ðến Ðan Viện São Bento ở São Paulo. Gặp gỡ đại diện của các Giáo hội Kitô khác và của các tôn giáo khác tại Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

13:15 - Dùng bữa ăn trưa với Hội Ðồng Giám Mục Brazil và cùng với phái đoàn tháp tùng Ðức Thánh Cha, tại Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

17:30 - Di chuyển bằng xe hơi từ Ðan Viện São Bento tới Vận Ðộng Trường "Paulo Machado de Carvalbo" ở Pacaembu, São Paulo.

18:00 - Gặp gỡ Giới Trẻ tại Vận Ðộng Trường "Paulo Machado de Carvalbo" ở Pacaembu, São Paulo. Ðức Thánh Cha đọc bài Diễn Văn gửi Giới Trẻ Brazil.

20:00 - Di chuyển bằng xe hơi từ Vận Ðộng Trường "Paulo Machado de Carvalbo" ở Pacaembu tới Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

20:30 - Ðến Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

 

- Thứ Sáu, ngày 11/05/2007:

8:30 - Di chuyển bằng xe từ Ðan Viện São Bento tới Campo de Marte ở São Paulo.

9:00 - Ðến Campo de Marte ở São Paulo. Tiếp tục di chuyển bằng xe riêng "popemobile" dạo quanh một vòng, chào thăm dân chúng.

9:15 - Ðến Phòng Mặc Áo chuẩn bị Thánh Lễ tại Campo de Marte ở São Paulo.

9:30 - Thánh Lễ và Nghi Thức Phong Thánh cho Chân Phước Frei Galvão tại Campo de Marte ở São Paulo. Bài giảng Thánh Lễ của Ðức Thánh Cha.

11:45 - Sau Thánh Lễ, trở về lại Phòng Mặc Áo.

12:00 - Di chuyển bằng xe hơi từ Campo de Marte tới Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

12:15 - Ðến Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

15:40 - Từ giã Ðan Viện São Bento ở São Paulo.

15:45 - Di chuyển bằng xe riêng "popemoblie" từ Ðan Viện São Bento tới Nhà Thờ Chính Tòa São Paulo.

16:00 - Gặp gỡ các Giám Mục của Brazil tại Nhà Thờ Chính Tòa São Paulo. Bài diễn văn của Ðức Thánh Cha gửi Các Giám Mục Brazil.

17:15 - Di chuyển bằng che riêng "popemobile" từ Nhà Thờ Chính Tòa São Paulo tới Phi Trường Campo de Marte ở São Paulo.

17:45 - Ðến Phi Trường Campo de Marte ở São Paulo. Chính quyền địa phương tiễn đưa Ðức Thánh Cha tại Phi Trường.

18:00 - Di chuyển bằng Trực Thăng từ Phi Trường Campo de Marte ở São Paulo đến Aparecida.

Tại Aparecida:

19:00 - Ðến Bãi Ðáp Trực Thăng tại Trung Tâm Hành Hương Aparecida. Chính quyền địa phương chào đón Ðức Thánh Cha tại Aparecida. Sau đó tiếp tục di chuyển bằng xe riêng "popemobile" tới Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

19:30 - Ðến Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

 

- Thứ Bảy, ngày 12/05/2007:

8:00 - Thánh lễ riêng của Ðức Thánh Cha tại Nhà Nguyện của Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

9:30 - Di chuyển bằng xe hơi từ Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida tới Fazenda da Esperanca ở Guaratinguetá.

Tại Guaratinguetá:

10:30 Ðến Fazenda da Esperanca ở Guaratinguetá. Viếng thăm Nhà Thờ Fazenda da Esperanca ở Guaratinguetá. Ðức Thánh Cha chào thăm dân chúng.

10:45 - Gặp gỡ dân chúng vùng Fazenda da Esparanca ở Guaratinguetá. Bài diễn văn của Ðức Thánh Cha gửi dân chúng.

11:45 - Di chuyển bằng xe hơi từ Fazenda da Esparanca ở Guaratinguetá tới Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

Tại Aparecida:

12:45 - Ðến Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida. Dùng bữa trưa với các đại biểu Khóa Họp lần thứ V của Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribean cùng với phái đoàn tháp tùng Ðức Thánh Cha, tại Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

17:45 - Di chuyển bằng xe riêng "popemobile" từ Chủng Viện Born Jesus tới Trung Tâm Hành Hương Aparecida.

18:00 - Ðến Trung Tâm Hành Hương Aparecida. Cùng dân chúng Lần Chuỗi Mân Côi. Sau đó gặp gỡ các Linh Mục, các Tu Sĩ Nam Nữ, các Chủng Sinh và các Thầy Sáu tại Trung Tâm Hành Hương Aparecida. Bài Diễn Văn của Ðức Thánh Cha gửi dân chúng.

19:30 - Di chuyển bằng xe hơi từ Trung Tâm Hành Hương Aparecida tới Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

19:45 - Ðến Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

 

- Chủ Nhật, ngày 13/05/2007:

9:15 - Di chuyển bằng xe riêng "popemobile" từ Chủng Viện Born Jesus tới Trung Tâm Hành Hương Aparecida.

9:30 - Ðến Trung Tâm Hành Hương Aparecida. Tiếp tục di chuyển bằng "popemobile" một vòng quanh, chào thăm dân chúng.

9:45 - Ðến Nhà Mặc Áo của Trung Tâm Hành Hương Aparecida để chuẩn bị Thánh Lễ.

10:00 - Thánh Lễ Khai Mạc Khóa Họp lần thứ V của Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribean tại quảng trường của Trung Tâm Hành Hương Aparecida. Bài Giảng Thánh Lễ của Ðức Thánh Cha. Sau Thánh Lễ Ðức Thánh Cha sẽ có bài Huấn Ðức trước khi xướng đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng cùng với dân chúng.

12:15 - Trở về Phòng Mặc Áo.

12:30 - Di chuyển bằng xe hơi từ Trung Tâm Hành Hương Aparecida tới Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

12:45 - Ðến Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

15:45 - Di chuyển bằng xe hơi từ Chủng Viện Born Jesus tới Ðại Thính Ðường (Conference Hall) ở Trung Tâm Hành Hương Aparecida.

16:00 - Ðến Ðại Thính Ðường của Trung Tâm Hành Hương Aparecida. Khai Mạc Khóa Họp lần thứ V của Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribean, bên trong Ðại Thính Ðường của Trung Tâm Hành Hương Aparecida. Diễn Văn Khai Mạc Hội Nghị của Ðức Thánh Cha.

17:30 - Di chuyển bằng xe hơi từ Ðại Thính Ðường của Trung Tâm Hành Hương Aparecida tới Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

17:40 - Ðến Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

18:20 - Từ giã Chủng Viện Born Jesus ở Aparecida.

18:30 - Di chuyển bằng xe hơi từ Chủng Viện Born Jesus tới Bãi Ðáp Trực Thăng của Trung Tâm Hành Hương Aparecida.

18:40 - Ðến Bãi Ðáp Trực Thăng của Trung Tâm Hành Hương Aparecida. Chính Quyền địa phương tiễn đưa Ðức Thánh Cha tại Bãi Ðáp Trực Thăng.

18:50 - Di chuyển bằng Máy Bay Trực Thăng Từ Bãi Ðáp Trực Thăng của Trung Tâm Hành Hương Aparecida tới Phi Trường Quốc Tế São Paulo/Guarulhos của Brazil.

Tại Guarulhos (São Paulo):

19:40 - Ðến Phi Trường Quốc Tế São Paulo/Guarulhos. Nghi lễ Từ Giã Ðức Thánh Cha tại Phi Trường Quốc Tế São Paulo/Guarulhos. Diễn Văn Từ Giã của Ðức Thánh Cha.

20:15 - Từ Phi Trường Quốc Tế São Paulo/Guarulhos, Brazil, Ðức Thánh Cha đáp máy bay đi Rôma, Italia.

 

- Thứ Hai, ngày 14/05/2007:

Tại Ciampino, Rôma, Italia:

12:45 Ðến Phi Trường Quốc Tế Ciampino, Rôma, Italia.

 

Ghi Chú:

- Giờ Rôma = Giờ Quốc Tế + 2 tiếng đồng hồ.

- Giờ São Paulo và Aparecida = Giờ Quốc Tế - 3 tiếng đồng hồ.

Hiện tình sống của chị em phụ nữ trên thế giới

 

Phỏng vấn bà Carmen Moreno, Giám đốc ”Học viện quốc tế nghiên cứu và đào tạo tiến bộ nữ giới” về hiện tình sống của phụ nữ trên thế giới


Trong xã hội ngày nay người ta hay nói đến sự ”bình đẳng và bình quyền” giữa hai phái nam nữ trong xã hội, nhưng thật ra tại khắp nơi nữ giới vẫn tiếp tục bị kỳ thị. Tuy tại các nước Tây Âu người ta lịch sự nhường bước cho nữ giới với câu ”Lady first”, ”Đàn bà đi trước”, nhưng đích đến của bình đẳng bình quyền vẫn còn rất xa. Nếu bình đẳng bình quyền, thì nữ giới lẽ ra cũng phải hiện diện nhiều hơn trong lãnh vực chính trị và tài chánh, doanh thương hay các tổ chức khác. Nhưng bảng thống kê, do ”Học viện quốc tế nghiên cứu đào tạo tiến bộ nữ giới” đưa ra, cho thấy hiện nay trong số 193 quốc trưởng chỉ có 11 người là phụ nữ, và chỉ có 27 phụ nữ là Chủ tịch Quốc Hội trên tổng số 187 quốc gia. Liên quan tới sự hiện diện của nữ giới trong chính trường, các nước Bắc Âu chiếm 40%, trong khi tỉ số toàn thế giới là 16,3%, và tại các nước A rập là 8,3%. Nếu tính số nữ dân biểu tại Quốc Hội, thì Nam Phi từ hàng thứ 149 vọt lên hàng thứ 9 với 30%. Trung Quốc đứng hàng thứ 48 với 604 nữ dân biểu trên tổng số 2980 dân biểu quốc hội; Anh quốc đứng thứ 60 với 127 nữ dân biểu trên tổng số 646; và Hoa Kỳ đứng hàng thứ 69 với 15%. phụ nữ được chọn.

Trong lãnh vực tài chánh tại Âu châu nữ giới chỉ chiếm 4% tổng số các vị điều hành các ngân hàng đầu tư; 17% tổng số các người điều hành các tổ chức đầu tư, và 6% tổng số các người điều hành ngân hàng trung ương. Trong lãnh vực giám đốc các tổ chức chứng khoán chỉ có 3% là nữ giới và 11% là cố vấn hành chánh. Riêng đối với các tổ chức phi chính quyền chỉ có 39% giám đốc là chị em phụ nữ.


Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Carmen Moreno, Giám đốc ”Học viện quốc tế nghiên cứu và đào tạo tiến bộ nữ giới”, viết tắt là INSTRAW, về hiện tình nữ giới trên thế giới. Học viện này đã được thành lập sau Hội Nghị Phụ Nữ Quốc Tế năm 1975 và bắt đầu hoạt động năm 1979. Từ năm 1983 trụ sở của Học viện được đặt tại Santo Domingo, thủ đô Cộng Hòa Dominicana.

 

Bà Carmen Moreno sinh năm 1938 tại Mehicô, đã từng là đại sứ tại nhiều nước trên thế giới và có thành tích tranh đấu cho quyền lợi của nữ giới. Năm 2003 bà được ông Tổng Thư Ký hồi đó là Kofi Annan chỉ định làm Giám đốc học viện INSTRAW.


Hỏi: Thưa bà Carmen, tại sao trụ sở của ”Học viện nghiên cứu và đào tạo tiến bộ cho phụ nữ” lại được đặt tại Santo Domingo, xa xôi như vậy?


Đáp: Đó là kết qủa chính sách tản quyền, mà Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu thực hiện từ thập niên 1980. Chúng tôi có tất cả khoảng 30 người, gồm các nhân viên, các nhà nghiên cứu, và các cộng sự viên, nhiều người làm việc có tính cách thiện nguyện. Có thể có người cho là ít nhân viên qúa, nhưng thật ra tất cả tùy nơi cách thức làm việc. Trong các ngày này một nhân viên của chúng tôi đang có mặt tại thủ đô Madrid bên Tây Ban Nha để nghiên cứu tận nơi. Chúng tôi thực hiện các cuộc nghiên cứu, soạn thảo các bản phân tích và đề nghị các chương trình giáo dục. Hiện nay chúng tôi đang bổ túc một hồ sơ liên quan tới cộng đoàn Phi Luật Tân tại Italia: 52 trên tổng số 90 ngàn người Phi di cư, là nữ giới. Hàng năm họ gửi về nước hàng trăm triệu mỹ kim, và số tiền này được giao cho các bà mẹ, các chị và em gái của họ đầu tư cho gia đình của họ. Chúng tôi làm việc để thăng tiến các chương trình phát triển bao gồm nữ giới. Lịch sử cho thấy sự tiến triển của một quốc gia dựa trên đôi vai vững chắc của nữ giới.


Hỏi: Thưa bà, các nghiên cứu liên quan tới các quyền được bảo đảm đã đi tới kết luận nào? Sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới là một ảo tưởng, hay đã có các quốc gia đạt được đích bình đẳng này?


Đáp: Đây là một đích điểm khó mà đạt được trên bình diện toàn cầu. Vẫn còn có các quốc gia không phê chuẩn các hiệp định nền tảng liên quan tới việc tôn trong các quyền con người, trong đó có các quyền của nữ giới. Vì thế khó mà có thể đưa ra các tiêu đích đồng đều cho tất cả mọi quốc gia.


Hỏi: Thưa bà Moreno, tại các nước có nền văn hóa hay tôn giáo Hồi chẳng hạn, khăn trùm đầu có còn là biểu tượng của sự tùng phục của nữ giới đối với nam giới hay không?


Đáp: Đây không phải chỉ là một vấn đề thuần túy tôn giáo. Theo tôi thấy sự bình đẳng không tùy thuộc nơi vĩ tuyến bắc bán cầu hay nam bán cầu, cũng không tùy thuộc nơi mức phát triển của một quốc gia hay nơi tôn giáo của người dân. Trong rất nhiều quốc gia chị em phụ nữ vẫn còn phải sống trong một điều kiện văn hóa thấp kém, dựa trên các xác tín tiêu cực tiếp tục sống dai dẳng, không loại bỏ được.


Điển hình như bên Mehicô trong bang Chiapas, cách đây 7 năm khi tôi nói chuyện với một số phụ nữ thổ dân về các bạo hành họ phải chịu từ phía các ông chồng, các phụ nữ này lại biện minh cho chồng họ và nói rằng ”nếu ông ấy không đánh tôi, thì có nghĩa là ông ấy không yêu tôi”. Ngày nay thì kiểu biện minh như thế đang biến mất. Trong bang Chiapas hiện có một phong trào phụ nữ bắt đầu phổ biến một nền văn hóa liên quan tới các quyền của nữ giới, và tạo ra ý thức nền tảng về nữ giới song song với phong trào chống nạn mù chữ.


Hỏi: Bà có nghĩ rằng các chị em thổ dân bang Chiapas sẽ thành công trong việc có một ban đại diện chính trị hay không? Bên Guatemala chẳng hạn, bà Roberta Menchu, giải thưởng Nobel Hòa Bình, đang ra ứng cử tổng thống nước này đấy thưa bà.


Đáp: Bà Menchu không phải là phụ nữ đầu tiên đâu. Đã có một số phụ nữ trên thế giới đang giữ chức tổng thống, hay cầm đầu chính quyền, chẳng hạn như thủ tướng Liên Bang Đức Angela Merkel, hay bà Bachelet bên Chile. Nhưng vấn đề là ở chỗ một phụ nữ có làm tổng thống hay thủ tướng, hay dân biểu quốc hội, tuy quan trọng trên bình diện biểu tượng, nhưng không giải quyết được gì nhiều, nếu tại địa phương, trong các thành phố, tại thôn quê và làng mạc, các tỉnh trưởng, xã trưởng và nhân viên hành chánh tất cả đều là nam giới. Bên Mehicô nữ giới chiếm 30% tổng số dân biểu quốc hội, nhưng tỉ số tại địa phương ít hơn nhiều. Trong các cơ cấu hạ tầng sự hiện diện của nữ giới hầu như không có. Nữ giới cần phải hiện diện nhiều hơn nữa để bênh vực quyền lợi và lôi kéo sự chú ý của toàn xã hội đối với các vấn đề của người dân, của gia đình và điều kiện sống hầu như không bao giờ được biết đến của họ.


Hỏi: Bà muốn nói đến cái gì vậy? Có phải hình ảnh ”phụ nữ lo việc cửa nhà” vẫn tiếp tục không thay đổi được trong xã hội tân tiến ngày nay hay không?


Đáp: Vâng. Ngay cả trong ngàn năm thứ ba này có một vấn đề nền tảng mà ít người để ý: đó là vừa làm vợ, vừa làm mẹ với nhiệm vụ dinh dưỡng, giáo dục con cái, vừa phải đi làm việc, là một thách đố rất lớn. Và không phải chỉ vì thiếu các cơ cấu hạ tầng, như thiếu vườn trẻ tại những nơi làm việc, mà vì gánh nặng văn hóa tiêu cực đè trên vai họ. Thứ nhất là vì tất cả các giám đốc, các chủ hãng xưởng, các người cầm đầu, đều là nam giới, nên không hiểu thách đố nặng nề đó; thứ hai trong điều kiện như thế, nữ giới không bao giờ tiến thân được, vì trước sau gì họ cũng phải bỏ công việc làm để lo lắng cho con cái họ thôi.


Vâng. Người ta cứ tưởng ”lo việc cửa nhà” là chuyện chỉ đúng đối với phụ nữ Phi châu, Á châu hay châu Mỹ Latinh. Nhưng thật ra không phải thế. Ngay tại Âu châu này như Tây Ban Nha hay Italia, thử hỏi có được bao nhiêu phụ nữ là giám đốc các hãng doanh thương lớn, giám đốc các phương tiện truyền thông, chủ tịch các nghiệp đoàn, hay là thị trưởng, xã trưởng hoặc cầm đầu các cơ cấu xã hội khác? Nhìn vào họa đồ tiến thân của nữ giới chúng ta thấy một số đông là nhân viên văn phòng hay thư ký. Càng lên cao lại càng hiếm.

Hỏi: Sự tùy thuộc do nam giới áp đặt trên nữ giới có gây ra các hậu qủa tai hại nào khác không thưa bà?

Đáp: Có chứ. Chẳng hạn nạn bạo hành nữ giới rất trầm trọng: trên thế giới này cứ ba phụ nữ, thì có một người là nạn nhân. Nó hiện diện tại khắp nơi trên thế giới. Tại Italia cứ 5 phụ nữ, thì có một người bị đánh đập và bạo hành tình dục. Năm 2006 có tới 1,5 triệu phụ nữ Italia là nạn nhân. Nhưng có biết bao nhiêu người mẹ, người chị, người em, bị đánh đập và bạo hành tình dục, mà không hề dám tố cáo các thủ phạm, nhưng chỉ đau khổ trong âm thầm.


Hỏi: Như thế nạn bạo hành tình dục không chỉ là hiện tượng của môi trường thành thị hay đồng quê kém phát triển mà thôi. Ngoài ra còn có tệ nạn kỹ nghệ tình dục trẻ em nữa, có đúng thế không, thưa bà?


Đáp: Đúng thế. Nạn bạo hành tình dục hiện hữu cả trong các môi trường xã hội mở mang và văn minh nữa. Nó cũng là con đẻ của một loại văn hóa của các xã hội giầu có, dư thừa vật chất, nhưng lại nghèo nàn các gía trị tinh thần.


Và dĩ nhiên, tệ hại nhất là thảm cảnh kỹ nghệ tình dục và nô lệ tình dục, khiến cho mỗi năm có hàng triệu phụ nữ và trẻ em bị lừa đảo, hãm hiếp, bắt cóc, và bán đi đó đây trên thế giới cho thị trường mại dâm quốc tế. Đây là kỹ nghệ đem lại hàng tỹ mỹ kim tiền lời cho các tổ chức tội phạm. Nhưng mà ai là các khách hàng của thị trường mại dâm quốc tế đây? Đó thường là các người giầu của các xã hội Tây Âu: các luật sư, các giám đốc hãng xưởng kỹ nghệ, giới doanh thương, các nhân viên, các công dân có tiền bạc, dư ăn dư mặc. Bỏ tiền ra ”mua” một thân xác để thỏa mãn các ham muốn dục vọng của mình có nghĩa là gì nếu không phải là một cử chỉ lợi dụng, khai thác và cũng là bạo hành tình dục?


(Avvenire 12-4-2007)

 

GIÁO XỨ BÌNH THUẬN ĐÓN MỪNG VỊ CHỦ CHĂN MỚI

 

Sáng ngày 9.5.2007 Lm Giuse Nguyễn Văn Thanh đã chính thức về nhận nhiệm sở tại giáBinhThuan (a)o xứ Bình Thuận ( hạt Tân Sơn Nhì ) Giáo phận TPHCM . Lm Giuse Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1956, thu phong linh mục năm 1992, và chính xứ Phú Hoà từ năm 2000 đến nay được thuyên chuyển về giáo xứ Bình Thuận thay thế Lm Anrê Trần Minh Thông đi nghỉ tịnh dưỡng. Bổ nhiệm thư của ĐHY GB Phạm Minh Mẫn được ký ngày 14.4.2007. Thánh lễ nhậm chức chính xứ diễn ra trong bầu khí thân thiện thấm đượm tình cha con. ĐHY GB Phạm Minh Mẫn chủ sự thánh lễ, cùng với Lm GB. Huỳnh Công Minh Tổng Đại Diện, Lm GB. Đoàn Vĩnh Phúc hạt trưởng Tân Sơn Nhì và khoảng 30 linh mục đồng tế và với đông đảo bà con giáo dân. Mở đầu Thánh lễ là nghi thức nhậm xứ, với việc trình bổ nhiệm thư, giới thiệu cha xứ mới, tuyên xưng đức tin Công giáo, tuyên thệ trung thành với ĐGM giáo phận và gìn giữ sự tinh tuyền của Giáo Hội, cha được dẫn đến nhà chầu xông hương, ghế chủ tọa, toà giải tội và kéo chuông. Đó là nghi thức diễn tả chức năng của vị chủ chăn giáo xứ là chủ tọa các cử hành phụng vụ, cử hành thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, thực thi lòng bao dung quảng đại của Thiên Chúa qua bí tích Hoà giải và kêu gọi đoàn chiên trở về với Chúa Giêsu vị Mục Tử nhân lành.

 

Trong phần bài giảng, ĐHY GB đã nhắn nhủ cộng đoàn giáo xứ Bình Thuận hãy giữ cho ngọn đèn đức tin của mình luôn cháy sáng. Đức tin mà năm xưa các tông đồ đã sống trọn vẹn, Giáo hội tiên khởi và các anh hùng tử đạo cha ông chúng ta trung kiên gìn giữ và hôm nay đến lượt chúng ta phải tiếp nối. Qua tiếp xúc với nhiều người, ngài thấy rằng người Công Giáo Việt Nam dù đi đâu, vì lý do gì và ở khắp mọi nơi trên thế giới đều cố gắng nuôi dưỡng đức tin, và trở thành chứng nhân Tin Mừng ở những nơi đó. Đức tin sẽ giúp cho cộng đoàn giáo xứ tránh được những bất đồng, bất hoà, bất ổn đáng tiếc có thể xảy ra những xung khắc giữa người này và người kia, có thể giữa cha xứ và cộng đoàn giáo xứ…

 

Sau cùng là lời đầu tiên của cha xứ mới dành cho cộng đoàn giáo xứ Bình Thuận và cho mọi người hiện diện là lời cám ơn. Cha cám ơn Đức Hồng y, Quý Cha, cộng đoàn giáo xứ Phú Hoà và Bình Thuận cùng tất cả những bà con ân nhân gần xa đã đến chia vui trong ngày hồng phúc. Cử chỉ cha cúi đầu xuống trước từng thành phần trong cộng đoàn thật cảm động. Cha như muốn nói lên sự quyết tâm phục vụ đoàn chiên Giáo xứ Bình Thuận trong khiêm tốn và yêu thương. Từ nay cha sẽ làm tất cả mọi sự vì cộng đoàn giáo xứ Bình Thuận,miễn là sáng danh Chúa và xây dựng được tình hiệp thông yêu thương trong giáo xứ. Cha cũng thấy rõ nhiệm vụ nặng nề của mình tại giáo xứ Bình Thuần, một giáo xứ có địa bàn rộng lớn, giáo dân ở cách xa nhau, khoảng 13.000 giáo dân đa phần là các anh chị em di dân tụ về mỗI ngày một đông, nhà thờ Giáo xứ toạ lạc trên đường Tân Kỳ Tân Quý đi ngang qua nghĩa trang và trung tâm hoả táng Bình Hưng Hòa. Vì vậy cha cũng mời gọi mọi người trong giáo xứ cộng tác với ngài cùng chung tay góp sức xây dựng giáo xứ phát triển mọi mặt

Martin Lê Hoàng Vũ

 

Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Dâng Lễ Mừng Bổn Mạng Giới Doanh Nhân Công Giáo Sài Gòn

 

Saigòn, Việt Nam (06/05/2007) -- Sáng Chúa Nhật 06.05.2007 khoảng hơn 100 doanh nhân Công Giáo thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã hành hương đến giáo xứ Thánh Gẫm (Gò-Công) thuộc hạt Thủ Thiêm nhân ngày lễ kính thánh bổn mạng Matthêô Lê Văn Gẫm 11.05.

Khởi hành tại Trung Tâm Mục Vụ Saigòn tại quận 1 lúc 8 giờ 30 sáng, vượt quãng đường gần 20 km, các anh chị và các vị khách quý đã đến địa điểm hành hương là ngôi thánh đường vừa mới được khánh thành tháng 11.2006 vừa qua mang tên vị thánh thương gia Matthêô Lê Văn Gẫm.

Trước khi đón Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đến dâng thánh lễ, các anh chị Doanh Nhân Công Giáo đã được vị đại diện trong hội đồng mục vụ giáo xứ giới thiệu về thánh bổn mạng của mình với nhiều chi tiết thú vị...

Thánh Matthêô Gẫm sinh năm 1813 thời vua Gia Long tại họ Tắt, thuộc làng Long Ðại, xứ Gò Công, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc huyện Thủ Ðức) là con đầu lòng trong một gia đình có năm anh em trai và một em gái út. Năm 15 tuổi, cậu xin phép cha mẹ gia nhập chủng viện Lái Thiêu với ý muốn tu học làm linh mục, nhưng chỉ một tháng sau phải vâng lời cha mẹ trở về nhà vì là anh cả của một đàn em nhỏ dại phải phụ giúp cha mẹ kiếm sống, đến năm 20 tuổi cậu kết hôn với một thiếu nữ ở Long Ðiền - Bà Rịa và có với nhau bốn người con, những người con nầy về sau đã có hai người tử vì đạo. Ông Matthêô Gẫm sinh sống bằng nghề buôn bán trên sông biển và có thuyền riêng nên công việc rất phát đạt, luôn giúp đỡ các giáo sĩ và được các vị thừa sai tín nhiệm, ông đã kết hợp công việc buôn bán của mình trong những chuyến chở hàng ra nước ngoài để đón các thừa sai và các chủng sinh Việt Nam du học về nước. Sau nhiều lần, ông bị bại lộ và bị bắt. Sau một thời gian, bị án xử trảm ngày 11.05.1847 và được phong Thánh ngày 19.06.1988.

Cùng đồng tế thánh lễ với Ðức Hồng Y Giaon Baotixita có linh mục Tổng Ðại Diện, linh mục Ðaminh Nguyễn Ðình Tân, (đặc Trách giới doanh nhân) và một số các linh mục khác. Ðức Hồng Y Mẫn đã nhắc nhở như sau: Nhớ đến công ơn của thánh bổn mạng hôm nay, anh chị em cố gắng noi gương các vị tiền nhân đã dùng phương tiện Chúa ban cho mình để làm sáng Danh Chúa, rạng rỡ cho giáo hội chứng tỏ mình là người Công Giáo trong mọi hoàn cảnh, biết sống quên mình dẹp bớt thói tham, sân, si, ích kỷ, chỉ biết sống riêng mình để làm cho giáo hội ngày càng tốt đẹp hơn...

Sau thánh lễ, các anh chị đã có một buổi gặp gỡ thân mật trong bữa cơm huynh đệ và những tiết mục văn nghệ vui tươi, tạm biệt giáo xứ mang tên thánh bổn mạng của mình, các anh chị Doanh Nhân Công Giáo còn được cha chánh xứ Gioan Mary Vianê Chu Minh Tân tặng mỗi người một bức phù điêu hình thánh Matthêô Lê Văn Gẫm.

Lê Kim

Con đường nào bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình?

 

Tháng Tư Saigòn độ nầy nóng bức. Theo kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ hoặc hiện tại, người nầy gọi là tháng Tư đen, người kia gọi là tháng Tư đỏ, người khác gọi là tháng tăng nhiệt. Trong tháng đen đỏ và tăng nhiệt nầy, những gì tôi đọc được từ những tiếng nói khác nhau qua thư tín hoặc qua phương tiện truyền thông, mở đường cho tôi chia sẻ mấy suy nghĩ về công cuộc bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình trong thế giới hôm nay.

Cao quý thay lẽ sống vì tự do và hoà bình cho nhân loại, vì sự sống và hạnh phúc của mọi người anh em đồng bào và đồng loại! Xem ra trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay, mọi người thiện tâm, tư bản hay cộng sản, ai ai cũng ước mơ và chọn lý tưởng đó. Nếu lý tưởng đã được thống nhất, thì điều còn lại là phân định tình hình, chọn đường lối thích hợp, và kiên trì thực hiện.


1.Tình hình thế giới hôm nay

Điều nghịch lý là trong thế giới hôm nay gọi là văn minh tiến bộ lại thường xuyên phát sinh khá nhiều bạo lực khủng bố và chiến tranh! Bạo lực từ trong gia đình đến trường học và công sở, từ trên màn hình đến trên mạng internet, từ Trung tâm thương mại thế giới trên đất nước của nữ thần Tự Do đến Tiểu Á và các châu lục. Bạo lực đối kháng nhỏ, gọi là bạo hành trong gia đình, phá thai, ly dị, “bịt miệng”, “cạy răng”, vu khống, đe dọa, đấu đá, bắn tẻ, bất công, áp bức, ép cung, tra tấn, quản chế, tù đày… Bạo lực đối kháng lớn gọi là chuyên chế đàn áp, chiến tranh xâm lược hoặc tự vệ, chiến tranh vũ khí, chiến tranh kinh tế, cá lớn nuốt cá bé… Dưới bất cứ hình thức nào, bạo lực đối kháng vẫn là con đường hủy diệt lẫn nhau. Tại sao trong thế giới gọi là văn minh tiến bộ lại có nhiều người, nhiều tổ chức lớn nhỏ, lựa chọn con đường đó? Và đâu là nguyên nhân của lựa chọn? Tâm lý học cho rằng hành vi của con người được hình thành trên cơ sở di truyền và tính khí, ý thức và tự do, văn hoá và môi trường.

Với kinh nghiệm lâu dài của mình, người Israel mà ta thường gọi là Do Thái, nhận thấy rằng nguyên nhân của bạo lực khủng bố và chiến tranh giữa những sắc tộc khác nhau, song cùng thờ một Chúa, một lý tưởng, không phải là niềm tin vào một Chúa, một lý tưởng, song là do thiếu nhận thức, thiếu tìm hiểu học hỏi, thiếu nghiên cứu thấu đáo, nên phe nầy cho rằng Chúa mình, lý tưởng mình đúng hơn Chúa, lý tưởng của nhóm kia. Thiếu giáo dục, thiếu rèn luyện đạo đức, tính đối kháng cố hữu trong con người điều khiển hành vi của họ và dẫn họ đi đến con đường bạo lực đấu đá, rồi loại trừ nhau. Như thế, nguyên nhân sâu xa của bạo lực khủng bố và chiến tranh là vì con người thiếu ý thức và tự do trong trách nhiệm giáo dục bản thân và niềm tin của mình. Sự phân rẽ và bất ổn trong gia đình thờ một Chúa, trong tổ chức hay sắc tộc theo một lý tưởng, xem ra cũng do cùng một nguyên nhân.

Những người có kinh nghiệm nuôi gà chỉ ra một nguyên nhân khác xem ra khá phổ biến trong xã hội công nghiệp hoá và cơ giới hoá ngày nay. Gà ta được thả đi ăn ngoài vườn, thì kiếm ăn vui vẻ, thịt lại ngon. Gà công nghiệp bị nhốt dày đặc trong một ô chuồng chật hẹp, lâu ngày sanh ra bực bội, phát điên lên và mổ nhau liên tục. Tạm gọi đó là bệnh gà công nghiệp, một thứ dịch cúm gia cầm rất dễ lây lan. Như thế, nguyên nhân của lựa chọn bạo lực và khủng bố có phải vì nhiều nơi trên thế giới ngày nay đã trở thành chuồng gà công nghiệp?

Nếu tất cả nguyên nhân trên định hình cho hành vi lựa chọn của con người, thì đâu là vai trò giáo dục trong gia đình và trong cộng đoàn, trong học đường và trong xã hội? Phải chăng cần xét lại chủ trương, đường lối giáo dục ở những nơi đó? Dân tộc Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới giáo dục nầy. Họ có kinh nghiệm xây thêm nhà trường để giảm bớt nhà tù.

2. Con đường Đức Giêsu chọn cho mình

Khi linh cảm Thầy mình trở thành đối tượng của bạo lực, nhóm môn đệ của Chúa đã làm gì?

Còn Đức Giêsu, khi bị xử oan sai và bị hành hình cách bất công, trước sau vẫn một mực bao dung đối với bạo lực, cho dù Ngài có đủ lực lượng thiên binh để “bịt miệng”, để loại trừ những kẻ phản bội, những kẻ vu khống và bất công kết án Ngài. Và sau khi Phục Sinh, Ngài cũng vẫn bao dung quy tụ các môn đệ lại, trao ban bình an và Thánh Thần là nguồn lực tình yêu cho các ông, các ông đón nhận rồi dần dần mới hoàng hồn và được Tình Yêu đổi mới thành chứng nhân can trường của Tin Mừng Chúa Phục Sinh.


Có đủ lực lượng thiên binh để khoá miệng những kẻ vu khống, để loại trừ những kẻ bất công kết án và hành hình mình, tại sao Đức Giêsu không chọn con đường bạo lực để tiêu diệt họ? Phải chăng vì sứ mạng của Ngài là đến để mọi người được sống và sống dồi dào? Phải chăng vì Ngài đã chọn con đường khác, là đường Tình Yêu có sức vạn năng hoán cải và đổi mới con người? Phải chăng vì chọn con đường bạo lực đối kháng là lọt vào vòng lẫn quẫn không có lối ra như những kẻ giết hại Ngài?

 

Lịch sử xác minh rằng những kẻ độc tài, bạo chúa và hận thù không tồn tại lâu dài, còn Ngài và Tình Yêu thì tồn tại không chỉ cho đến tận cùng thời gian, song mãi mãi. Hình như nhiều người thiện tâm, vì vẫn bị kẹt trong thế đối kháng và trong quán tính sử dụng bạo lực, nên không thể ý thức và tự do lựa chọn con đường tình yêu hoán cải và đổi mới của Ngài!


3. Một bài học lịch sử hôm nay


Giống như Việt Nam, và còn hơn Việt Nam, dân tộc Do Thái trãi qua nhiều thời kỳ chiến tranh hủy diệt, gần nhất là thế chiến II và cuộc chiến dai dẳng hiện nay. Bí quyết nào, sức mạnh nào giúp họ tồn tại? Người Do Thái xác tín rằng bí quyết và sức mạnh giúp họ không những tồn tại mà còn phát triển vững bền, không phải là súng đạn, bạo lực và khủng bố, song là niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham, Isaác và Giacóp. Và họ xác quyết rằng bí quyết bảo vệ tự do và sức mạnh xây dựng hoà bình vững bền, đó là giáo dục con người và củng cố niềm tin trong gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội. Giáo dục toàn diện mọi mặt, trí dục, thể dục, kỹ dục, đức dục.


4. Thực hành


Với niềm tin Ngôi Cha là Tình Yêu, Ngôi Con là hiện thân của Tình Yêu, Ngôi Thánh Thần là nguồn lực Tình Yêu, Giáo Hội công giáo trên khắp hoàn cầu, trong nước tư bản cũng như cộng sản, đã chọn cho mình con đường Tình Yêu đổi mới, con đường bao dung, đối thoại thẳng thắn và hợp tác lành mạnh với mọi người thiện tâm nhằm xây dựng một cộng đồng nhân loại mới sống những giá trị Tin Mừng, sống và làm chứng cho sự thật và công bằng, sống và làm men thánh thiện và hiệp nhất, sống và làm ánh sáng chiếu toả yêu thương và bình an của Chúa.


Nếu thấy rằng không có con đường nào khác có hiệu quả hơn cho công cuộc bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình lâu dài trong ngôi nhà toàn cầu hoá hôm nay, người thiện tâm cảm thấy có trách nhiệm gì trong công cuộc giáo dục đổi mới con người và củng cố niềm tin đối với con em và thế hệ hậu sinh, đối với đồng đạo, đồng bào và đồng loại? Có thể làm gì, để có đủ sức chu toàn sứ mạng vừa cao cả vừa khó khăn nầy?



(Chúa Nhật Người Mục Tử nhân lành, 29.4.2007)

+ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

LỄ ĐỨC MẸ PHATIMA 2007

CẦU NGUYỆN THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ

Đọc Tin Mừng theo thánh Luca, ta nhận ra, hình như vị thánh này có lòng yêu mến Đức Mẹ sâu xa. Chính vì yêu mến, thánh nhân tỏ ra hiểu biết khá rõ về tính tình của Đức Mẹ: Đức Mẹ là con người của đời sống nội tâm. Đức Mẹ hay so sánh các biến cố, lưu giữ tất cả những gì đã từng xảy ra trong quá khứ và suy gẫm trong lòng (Lc 2, 19. 51). Cũng chính do lòng yêu mến, đã nhiều lần, thánh nhân nhắc đến hình ảnh Mẹ của Chúa Giêsu trong đời thường. Nổi bậc nhất là trong những trình thuật về thời thơ ấu và vài lần trong thời công khai của Chúa.

Cùng thánh Luca, học lấy gương thánh thiện của Mẹ Chúa Giêsu trong tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ, nhất là trong những ngày này, chuẩn bị kỷ niệm sự kiện Đức Mẹ viếng thăm thế giới tại Phatima trong lễ Đức Mẹ Phatima (Chúa nhật 13.5), tôi suy gẫm lời Chúa dạy hãy cầu nguyện (Lc 10, 2; 11, 1-13; Mt 6, 5-13; 18, 19-20), được Đức Mẹ nhắc lại tại Phatima.

Không chỉ thánh Luca, các thánh sử còn cho thấy, nhiều lần Chúa Giêsu nêu gương cầu nguyện (Mt 11, 25-26; 26, 36; Ga 11, 41; 12, 27-28). Chẳng hạn trong giờ hấp hối tại vường Giêtsêmani, Chúa Giêsu thổn thức: “Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36). Chúa cũng dạy hãy cầu nguyện: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ…” (Mc 14, 38).

Ngày 13.5.2007, tròn 90 năm, Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên trong sáu lần vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 10.1917 với ba trẻ chăn chiên ở làng Phatima, Bồ Đào Nha.

Cũng giống những trang Tin Mừng, điều Đức Mẹ dạy tại Phatima không gì khác hơn là đời sống cầu nguyện. Đức Mẹ lặp lại chính lời của Chúa để nhắc ta hãy đến cùng Chúa, hãy siêng năng cầu nguyện, hãy sống tâm tình cầu nguyện để được gắn bó với Chúa suốt đời ta.

Cách thức để sống đời sống cầu nguyện, để được gắn bó với Chúa suốt đời được gói gọn trong ba lời Đức Mẹ truyền dạy mà chúng ta quen gọi là ba Mệnh lệnh Phatima: Hãy mau ăn năn đền tội; Hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi; Hãy tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ.

Đức Mẹ dạy cầu nguyện, vì như Chúa Giêsu, theo cách của Chúa Giêsu, nghe lời Chúa Giêsu, Người Con yêu quý của Đức Mẹ, Đức Mẹ không ngừng cầu nguyện và sống tâm tình cầu nguyện suốt đời. Bởi không thể tự dưng một ai đó có thể ẩn vào nội tâm của mình nếu người đó đã không bao giờ trải nghiệm những biến cố đời mình và thâm trầm trong sự cầu nguyện qua từng biến cố ấy. Cũng vậy, Đức Mẹ đã không ngừng lắng đọng trong từng biến cố dù to, dù nhỏ xảy ra trong suốt đời Đức Mẹ, hay trong chính cuộc đời Người Con yêu quý của Đức Mẹ. Và có lẽ, những biến cố ấy càng huyền nhiệm, càng khó hiểu, càng đòi đến đức tin bao nhiêu, Đức Mẹ càng suy gẫm, càng cầu nguyện bấy nhiêu.

Trong ngày Chúa giáng sinh, trước những lời đầy mầu nhiệm mà các mục đồng, trong khi viếng Chúa Hài Nhi, đã kể lại về việc họ nhận thấy một đêm vinh quang và ánh sáng của trời cao chiếu rọi, các thiên thần của Thiên Chúa thông báo Đấng Cứu Thế đã giáng sinh, tiếng ca hát rợp bầu trời, vang rền không trung… (Lc 2, 8-14), Đức Mẹ đã âm thầm cầu nguyện, để rồi “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).

Sau một loạt các biến cố liên tục diễn ra: Chúa Giêsu giáng sinh, các mục đồng thăm viếng, Chúa Giêsu chịu phép cắt bì, tiến dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, lời tiên ri của hai cụ già Simêon và Anna nói về tương lai khắc nghiệt của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ, Chúa Giêsu ở lại đền thờ năm lên mười hai tuổi, một lần nữa, Tin Mừng theo thánh Luca lại ghi nhận một lần nữa sức sống nội tâm phong phú nhờ sự suy gẫm và cầu nguyện liên tục của Đức Mẹ: “Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51).

Nhờ sống hết sức cho đời sống cầu nguyện, Đức Mẹ đã soi sáng hiện tại và tương lai bằng quá khứ. Quá khứ chính là câu trả lời cho việc Đức Mẹ ngày càng tin tưởng cách thâm sâu vào thánh ý Thiên Chúa. Chính trong quá khứ được đọc đi đọc lại, từng bước, từng bước một, Đức Mẹ hiểu biết chương trình của Thiên Chúa đang thực hiện nơi mọi nỗi khắc khoải, mọi đau đớn và bình an của phận người.

Ngày xưa, rất nhiều lần Chúa Giêsu chiến thắng ma quỷ (Lc 4, 33-36; 8, 27-33; 11, 15-26…), điều đó cho thấy, ngay trong thời Chúa Cứu Thế vẫn đang hiện diện trong trần thế, ma quỷ vẫn không ngừng lộng hành. Ngày nay thế giới còn rối ren hơn, càng ngày càng nảy sinh nhiều cám dỗ, càng bị vây phủ bởi nhiều thế lực đen tối như: sự chống đối Thiên Chúa lan tràn đây đó; tìm mọi cách đẩy xa ảnh hưởng của Thiên Chúa, đẩy xa ảnh hưởng của tình yêu của Người trên đời sống chung. Từ chỗ không nhìn nhận Thiên Chúa, loài người càng ngày càng rơi vào sự bất an như kéo dài mãi. Tất cả những sai lầm ấy đưa nhiều quốc gia, nhiều chủ trương của nhiều người lún sâu vào sự giết chóc, thiếu tôn trọng nhau, chiến tranh, thù hận, bóc lột, giang trá, thủ đoạn, phe nhóm, tranh giành ảnh hưởng, thậm chí ngày càng tàn nhẫn, ngày càng độc ác… Nói cách khác, thế giới hôm nay cần được Chúa Kitô trừ quỷ, cần được Chúa Kitô giải phóng khỏi mọi đe dọa của sự dữ, cần được Chúa Kitô chữa lành mọi thương tật trong đời sống và trong tâm hồn con người…

Như Đức Mẹ, nghe lời Chúa, bắt chước Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện. Mệnh lệnh Phatima là lời răn của Đức Mẹ hãy còn đó, như một thúc hối chúng ta hãy kiên trì lo lắng cho đời sống cầu nguyện của từng người. trong lòng ta càng bất ổn, thế giới quanh ta càng thiếu bình an, thiếu tình thương, ta càng cầu nguyện. ta hãy tìm đến cùng Chúa Kitô bằng tất cả sự chìm lắng hoàn toàn trong nội tâm của mình để cầu nguyện, để gặp gỡ Chúa Kitô, xin Chúa Kitô ở lại cùng chúng ta, ở lại giữa thế giới đang đói khát tình yêu đích thực này.

Chúa yêu mến những người sống đời sống cầu nguyện. Bằng chứng là Chúa đã yêu mến Đức Mẹ, con người của thế giới nội tâm phong phú nhờ cầu nguyện, mà Chúa đã chọn Đức Mẹ làm Mẹ khiết trinh của mình. Như Đức Mẹ, ta hãy cầu nguyện, để đời sống cầu nguyện trở thành nguồn sống, thành sức mạnh, giúp ta đi tới trong đời, nhằm thăng tiến mãi trên đường trọn lành, hướng về đích là sự cứu rỗi trong Chúa. Ta hãy cầu nguyện, để sự cầu nguyện trở thành động lực duy nhất giúp nhân loại đến gần nhau, giúp mọi phe nhóm, mọi đảng phái, mọi cuộc leo thang giết chóc bị tiêu diệt, mọi người thành bạn hữu của nhau và thế giới sẽ là một thế giới biết giơ cao bàn tay tương trợ...

Dù cho thế giới này, hay đời ta có lắm chông chênh, lắm mây mù giăng lối, thì chắc chắn nhờ cầu nguyện, Chúa sẽ cho ta mọi ơn cần thiết để ta vượt qua. Với một nội tâm phong phú nhờ cầu nguyện, Đức Mẹ đã thành công. Cũng vậy, với sự cầu nguyện không ngừng, chúng ta cũng sẽ đạt được tất cả những gì mà Đức Mẹ đã đạt được trong tình yêu của Chúa.

Có nhiều hình thức cầu nguyện. Trong lễ Đức Mẹ Phatima và tháng Hoa dâng kính Đức Mẹ, chúng ta không quên cầu nguyện bằng chính những mệnh lệnh mà Đức Mẹ đã yêu thương hướng dẫn. Đó là:

- Ta hãy lo ăn năn đền tội.

- Hãy siêng năng suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi và lần chuỗi Mân Côi. Kinh Mân Côi chính là sự diễn tả cả cuộc đời Chúa Cứu Thế trong tương quan chặt chẽ với Mẹ của Người. Nói cách khác, đó là cuốn Tin Mừng được tóm gọn.

- Hãy tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ như máng chuyển ơn Chúa từ Đức Mẹ đến với chúng ta, nhờ đó, chúng ta đến cùng Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trung thành giữ vững đời sống Kitô hữu của mình bằng cả một đời cầu nguyện như Chúa, như Đức Mẹ, theo cách thức mà Chúa chỉ dạy, được Đức Mẹ nhắc nhở chúng con. Xin hãy chữa lành mọi thương tật của thế giới, cũng như mọi thương tật trong tâm hồn và thể xác của mỗi người chúng con. Xin giải thoát chúng con khỏi những ảnh hưởng, những cám dỗ nguy hại mà ma quỷ gieo rắc trên thế giới và trong cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

 

CHƯA LÀM PHÉP CƯỚI MÀ ĂN Ở VỚI NHAU NHƯ VỢ CHỒNG CÓ TỘI KHÔNG ?

Thưa cha, bạn trai bạn gái quen nhau, yêu nhau, ở với nhau như vợ chồng (họ nghĩ trước sau gì họ cũng là vợ chồng). Họ đi lễ vẫn rước lễ, như thế có tội không?

Bạn thân mến,

Là người Công Giáo chắc bạn cũng biết là khi chưa có bí tích hôn phối thì vẫn chưa là vợ chồng vì thế họ không thể ăn ở với nhau như vợ chồng được. Bởi vì khi đã là vợ chồng thì còn có bổn phận và trách nhiệm mà họ phải đảm nhận trong bậc sống hôn nhân nữa. Họ được liên kết bằng mối dây bất khả phân ly. Cho dù họ nghĩ trước sau gì họ cũng là vợ chồng thì điều đó vẫn chỉ là trong ý nghĩ thôi chứ thực tế vẫn chưa là gì cả. Trong cuộc sống mà cứ suy nghĩ như vậy rồi hành động chắc chắn là sẽ có nhiều phiền phức lắm. Thí dụ một thầy sắp chịu chức nghĩ rằng trước sau gì cũng chịu chức nên cử hành thánh lễ, ban các bí tích một cách bừa bãi thì chắc là sẽ lộn xộn lắm. Một người chưa có bằng lái xe mà cứ lái thì không không biết những điều phiền phức nào sẽ xẩy đến.

Gạo chưa nấu thì vẫn chưa thành cơm được và nếu bạn ăn trước khi nấu thì bạn vẫn chỉ ăn…gạo thôi.

Như vậy những người đã sống với nhau như vợ chồng trước hôn nhân thì mắc tội còn việc họ lên rước lễ thì còn tùy thuộc chuyện họ có pham tội hay không và họ đã xưng tội chưa. Điều này ta không thể kiểm chứng được.

KHI RA KHỎI CUỘC ĐỜI NÀY, LINH HỒN CỦA NHỮNG NGƯỜI CHƯA BIẾT CHÚA ĐI VỀ ĐÂU ?

Nhiều người chưa biết đạo thánh của Thiên Chúa, có thể hơn phân nửa nhân loại chúng ta. Số đông trong nhóm này được sinh ra, lớn lên qua các giai đoạn của cuộc sống, dĩ nhiên cũng sẽ phạm phải những lỗi lầm thông thường của con người, nhưng không phạm phải những điều trọng như giết người, cướp của, hãm hiếp… Khi ra khỏi cuộc đồi này, linh hồn của những người vừa nói trên sẽ đi đâu? Sẽ được hưởng ơn cứu chuộc nhân loại của Ngôi Hai Thiên Chúa không? Xin cho biết chỉ dạy của Hội Thánh về việc này.

Anh Quang thân mến,

Quả là cho đến nay hơn phân nửa nhân loại vẫn còn chưa biết đạo thánh Chúa và chúng ta cũng không thể coi họ như những người sẽ phải trầm luân hay bất hạnh vĩnh viễn ở đời sau. Trong những số báo trước tôi cũng đã có dịp nói đến những trường hợp này, nay cũng xin được trình bầy quan điểm của Hội Thánh về những người trong tình trạng không nhận biết Thiên Chúa.

Sách Giáo Lý Công Giáo và Công đồng Vatican II trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân đã xác định :

Những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi. ( LG 14)

Tuy nhiên, có những người không vì lỗi mình mà không biết Đức Kitô và Hội Thánh của Người, những người này cũng đáng được hưởng lòng xót thương của Chúa. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân số 16 đã viết :

Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi.  Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi

Chúng ta cũng phải giả thiết họ sẽ khao khát lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này

Với những giáo huấn như trên của Hội Thánh, anh cũng thấy rằng những người trong cuộc sống này nếu vì hoàn cảnh mà không biết Chúa và Hội Thánh Người mà họ sống lương tâm ngay chính thì họ vẫn được hưởng lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa để được cứu độ. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là “Người ngoại họ cứ sống phây phây không cần phải trở lại để theo Chúa rồi cũng được cứu rỗi” như có người đã  nêu lên. Hội Thánh có bổn phận và có quyền thiêng thánh rao giảng Tin Mừng cho mọi người để đem đến cho con người những phương thế hữu hiệu để đạt tới ơn cứu rỗi.

Thực vậy, thường con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21 và 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên Chúa trên đời này, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ. Vì hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi tất cả những người ấy và hằng nhớ lời Chúa truyền: "Hãy rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật" (Mc 16,15), nên Giáo Hội tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo ( LG 16).

Những người không thuộc về Hội Thánh hữu hình ở trần gian phải đối diện với bao nhiêu là cám dỗ, thử thách và khó khăn mà nếu thiếu những phương thế thiêng liêng trong Hội Thánh là ân sủng, bí tích, Lời Chúa, kinh nguyện, hiệp thông, nâng đỡ cộng đoàn …thì họ có dễ dàng vượt qua những khó khăn ấy để sống đời chính trực và chu toàn ý Chúa theo sự hướng dẫn của lương tâm không ? Đứng trước những thử thách ấy thì việc truyền giáo là việc làm cần thiết cho những ai chưa biết Đức Kitô và Hội Thánh để họ được trở nên con cái của Thiên Chúa và được chia sẻ những ơn ích thiêng liêng hầu có được sự bảo đảm cho ơn cứu độ.

 

GHI NHẬN TỪ TUẦN TĨNH TÂM LINH MỤC ĐÀ LẠT

 

 

Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Đàlạt đã diễn ra từ ngày 23/4/2007 tới 28/4/2007 tại Tòa Giám Mục số 9 Nguyễn Thái Học Đàlạt.

 

Đức Cha Phêrô Giám Mục Giáo Phận Đàlạt đã nhấn mạnh :” Trong những ngày tĩnh tâm hồng phúc này, Các Cha hãy hết sức quảng đại với Thiên Chúa, ra về với con người mới, để lan tỏa đến mọi người lòng đạo đức, thánh thiện của cuộc đời được đổi mới, được canh tân”.

 

Đặc biệt, tuần tĩnh tâm linh mục Đàlạt năm nay, linh mục đoàn Đàlạt đã được Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục phó Giáo Phận Nha Trang chia sẻ về thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:” Sống Yêu Thương và Phục Vụ”. Đức Cha Giuse đã triển khai Tin Mừng của thánh Gioan để làm rõ nét bức thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Người viết, xin ghi lại những nét chính của những bài chia sẻ của Đức Cha Giuse với cách tiếp thu của mình. Xin chân thành tri ân Đức Cha Giuse đã khai phóng những nét thật dễ hiểu và sống động của Tin Mừng thánh Gioan.

 

 

THEO CHÚA

 

Trở về đây trong mái ấm gia đình

Giáo phận Đàlạt thân thương ấm cúng

Con múc lấy những ngày đầy hạnh phúc

Sống tình yêu từ bỏ để an bình

Thuộc về Chúa trọn vẹn cho mình Chúa

Như Anrê, Gioan con bước tới

Giới thiệu Simon, Chúa gọi Kêpha

Mình Simon, Chúa mau mắn đặt tên

Từ lúc đó, đời Simon đổi mới

Trên đá tảng Chúa xây dựng Hội Thánh

Giáo Hội vững bền mãi mãi thiên thu

Chúa ở đó, Chúa ở cùng Hội Thánh

Mãi muôn đời cho đến tận mai sau

Thánh Thần canh tân, Thánh Thần đổi mới

Mỗi con người, mỗi ơn gọi trôi qua

Bốn chặng đường như bảo chứng tương lai:

“Từ bỏ, yêu mến, xuất thân, đón nhận”

Bước theo con người :” Tên gọi Giêsu “.

 

 

ĐỔI MỚI BẢN THÂN

*Lộ trình sống đạo bằng việc đổi mới bản thân.

 

Như Nicôđêmô, con đi gặp Chúa

Trong đêm tối, con lần mò gặp Chúa

Con ý thức thân phận yếu hèn tội lỗi

Con nhìn Chúa với con mắt thế gian

Không hiểu nổi và không bao giờ nhìn thấy

Vì tội lỗi đã kéo con chống lại

Công trình kỳ diệu của Chúa Giêsu

Khúc quanh năm nào Nicôđêmô đã gặp

Giữa đêm tối Chúa phá tan u tịch

Sự tự mãn, tự kiêu của Nicôđêmô

Vâng, sở dĩ Nicôđêmô đã thấy

Nhờ Thánh Thần đổi mới con tim

Nicôđêmô được đưa vào đường mới

Trường phái Thánh Thần…

Nicôđêmô trở nên người biết lắng nghe

Từ giờ đó, ông không còn tự mãn

Chỉ biết nghe, chỉ biết lắng nghe

Chúa đổi mới

Chúa canh tân

 Nicôđêmô

Nhờ lời Chúa dạy bảo

Nhờ Thánh Thần

Soi sáng

Để ông biết lắng nghe và hiểu được mầu nhiệm Thập Giá

Và để được hạnh phúc mai táng với Đức Kitô

Ôi linh mục

Con người của thế giới

Xin cho linh mục luôn biết lắng nghe

Nhờ tiếng nói của Chúa Thánh Thần

Đổi mới

Canh tân

Để linh mục luôn gắn bó với Thập Giá của Đức Kitô.

 

ƠN CHÚA HÒAN TOÀN NHƯNG KHÔNG

*Nền tảng cuộc sống đạo : Phát huy những gì Chúa và Hội Thánh muốn chúng ta.

 

Nền tảng cuộc sống đạo

Qui chiếu về Thiên Chúa Ba Ngôi

Chúa Cha là nguồn tình yêu

Đức Giêsu là quà tặng tình yêu Thiên Chúa trao ban cho thế giới, cho con người, cho mỗi người

Thánh Thần là năng lực tình yêu

Thánh Thần là hơi thở, khí, gió

Nhiều luồng gió hợp lại sẽ khiến có sức mạnh như vũ bão…

Đức Giêsu kitô khi xưa

Đã ngang qua thành Samaria gọi là Sikhar ( Sikem )

Ngài mệt mỏi nên ngồi phệt xuống bên bờ giếng Giacóp

Lúc đó là khỏang giờ thứ 6

Giờ khổ nạn của Chúa

Giờ Ngài tự hủy ( Kénosis )

Người phụ nữ Samaria

Giờ này được hồng phúc lớn lao

Mạc khải hết sức quan trọng được vén lộ:

Thánh Thần được trao ban

Bộ mặt Thiên Chúa được tỏ lộ

Phêrô chỉ có thể nhìn ra ơn Chúa

Khi ông ý thức thân phận tội lỗi yếu hèn của mình

Giakêu đón nhận Chúa

Vì Chúa yêu thương ông là kẻ tội lỗi

Người thiếu phụ Samaria chẳng là gì

Bà chỉ là người yếu hèn khốn nạn tội lỗi

Bà có là gì chỉ do tình thương

Vì ơn huệ nhưng không của Chúa

Ôi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Chúng ta hết lòng tạ ơn

Chúng ta hãy trở về nguồn theo dấu vết của tổ tiên

Để tri ân và dâng lời cảm tạ.

 

 

DẤN THÂN PHỤC VỤ

 

Linh mục theo Chúa

Dấn thân phục vụ

Qui về thiên Chúa Ba Ngôi

Một ơn gọi nên thánh

Linh đạo theo thánh Gioan

Muốn dấn thân phục vụ

Phải trung tín với Thiên Chúa

Và liên đới với anh em

Dấn thân phục vụ

Không phải chỉ làm những côg việc bác ái từ thiện

Công việc xã hội

Vì linh mục chỉ là con người

Hai tay nắm hai cực: Thiên Chúa và con người

Nếu linh mục phục vụ theo cách của Môsê

Con người vẫn bất tòan

Vì Môsê là người tâm phúc của Thiên Chúa

Môsê phục vụ hết mình trước Thiên Chúa, trước dân

Nhưng Môsê vẫn không hòan thành sứ mạng

Nếu bắt chước Môsê chúng ta trở nên anh hùng

Nhưng không nên thánh được

Sứ mạng của Môsê đẹp nhưng bất tòan

Phải noi gương bắt chước Đức Giêsu

Vì sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng tuyệt vời

Đức Giêsu Kitô cứu chuộc con người tòan diện

Linh mục là “Alter Christus “ “ Chúa Giêsu khác”

“Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”

Vâng, Đức Giêsu Kitô đã

Chữa lành cho anh mù từ thủa mới sinh, ngồi bên vệ đường

Để anh thấy Chúa Giêsu là Đức Kitô

Chúa đã làm cho Lagiarô sống lại

Để Lagiarô làm chứng cho sự sống

Chúa đã giúp Matta vượt qua đau khổ

Để tuyên xưng niềm tin

Chúa đã giúp Maria vượt qua tội lỗi để trở nên môn đệ của Ngài…

Đức Giêsu là mẫu gương tòan hảo, vẹn tòan.

 

GÓP PHẦN XÂY DỰNG

 

Chúa Giêsu nói : “ Thầy đây, đừng sợ “

Nếu ta tựa vào Thập Giá của Chúa Giêsu

Thì yêu thương và phục vụ sẽ không khó khăn cho lắm

Vì phải có tình yêu thương

Nếu không chúng ta chỉ làm theo bổn phận,

Chỉ lý lẽ với nhau mà thôi

Có tình yêu thương

Anh sáng mới thúc đẩy chúng ta, soi dọi chúng ta

Bởi vì, trước khi Thập Giá được dựng nên

Tất cả đều là bổn phận

Khi Thập Giá được dựng nên

 Việc loan báo Tin Mừng không còn là bổn phận mà là nghĩa vụ

Thập Giá được dựng nên

Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá

Một tấm biển được đóng ngay trên  Thập Giá:” Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái “.

Vua nghĩa tôn giáo được viết theo chữ Do Thái

Vua theo ngôn ngữ La Tinh, có nghĩa hòan tòan hành chánh

Vua các nền văn hóa, các nền văn minh, thời đại được hiểu theo nghĩa Hy Lạp

“Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ”, Chúa

là chủ tể các nền văn hóa, văn minh, Vua vũ hòan…

Không có biến cố nào ngòai ánh mắt, ngòai uy quyền của Chúa

Chúa là Vua

Ngài đã tỏ mình ra, đã tỏ vương quyền của Ngài

Trước khi Thánh Giá được dựng nên:” Chúa Giêsu là Thái Tử của Thiên Chúa Cha”

Sau khi Thập Giá được dựng nên, Ngài là Vua

Ngài gắn bó với các môn đệ

Tin tưởng các môn đệ, trao phó trách nhiệm cho các môn đệ

Phlatô đã giới thiệu Chúa Giêsu:” Này là Vua các ngươi “

Dân chúng đã khước từ Chúa Giêsu

Philatô trao Chúa Giêsu để họ đóng đinh Ngài vào Thập Giá

Chúa Giêsu mở ra con đường tình thương

Xây dựng cộng đoàn tình thương

Mở ra con đường hạnh phúc

Vâng, linh mục là người góp phần xây dựng tình thương,

Hòa giải

Tôn trọng phẩm giá và mở ra nền văn minh tình thương.

 

 

YÊU THƯƠNG HỌ VÀ NGÀI YÊU THƯƠNG HỌ ĐẾN CÙNG

 

Lạy Chúa Giêsu,

Là Mục Tử nhân lành

Chúng con được mời gọi sống yêu thương và phục vụ

Nhưng muốn sống yêu thương và phục vụ

Chúng con phải nhìn vào Chúa để xem cung cách mà Chúa đã yêu thương

Phục vụ như thế nào, ra làm sao ?

Yêu thương và phục vụ theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu :” Khi Ngài thi hành theo ý Thiên Chúa Cha”

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ

Chúa cởi áo ra

Tức cởi bỏ cương vị Thầy, Chúa của mình

Rửa chân

Mở ra Thập Giá mà Người sẽ đi qua

Rửa chân để các môn đệ được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Rửa chân để thực hiện tận cùng sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa Cha

Đó là con đường tự hủy, tự hạ của việc rửa chân

Mặc áo vào theo linh đạo của thánh Gioan

Là đi vào mầu nhiệm phục sinh

Chúa yêu thương cả những kẻ nghịch thù

Chúa trao ban miếng bánh cho Giuđa

Giuđa đã bỏ đi trong đêm tối

Đồng lõa với tội lỗi

 Giuđa đã chối từ tình yêu tột cùng của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu vẫn yêu thương và yêu thương mọi người

Ngài ban cho các môn đệ và nhân lọai giới răn mới

“Như Cha đã yêu mến Thầy

Thầy cũng yêu mến các con”(Ga 15, 9 )

Giới răn này phát xuất từ Thiên Chúa Cha

Yêu thương lòai người

Chúa Cha trao ban Người Con Một Yêu Dấu

Là Chúa Giêsu

Chúa Giêsu trao ban Thánh Thần

Và Mẹ Maria

Cho Hội Thánh và cho Nhân Lọai

Để Giáo Hội sống yêu thương và phục vụ như Chúa đã yêu ( Ga 15, 12 ).

Tình yêu ấy là thế này:” Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”( Ga 15, 13 ).

 

 

GƯƠNG MẶT PHÊRÔ

NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA YÊU

 

 

Những ghi nhận này được viết lại theo lời chia sẻ của Đức Cha Giuse trong”Sống đạo hôm nay theo linh đạo thánh Gioan”

 

Hãy đến mà xem

Canh tân bản thân: Lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân.

Nền tảng việc sống đạo: Thờ phượng Cha trong Thánh Thần và Sự Thật

Dấn thân phục vụ: Trung tín với Thiên Chúa; liên đới với anh em

Góp phần xây dựng một xã hội công bằng :” Này là Vua các ngươi”

Người mục tử yêu thương và phục vụ : Ngài đã yêu thương họ đến cùng

Vâng, lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa

Người môn đệ Chúa yêu.

 

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

 

DẤU CHỈ MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ

 

Là Kitô hữu, bình thường ai cũng muốn kẻ khác nhận biết mình là con cái Chúa trong Hội Thánh. Dĩ nhiên vẫn có đó những Kitô hữu không muốn kẻ khác nhận biết mình là con cái Chúa. Với xã hội rộng lớn, bản thân không nắm rõ. Tuy nhiên ngay trong chính mãnh đất thân yêu Việt Nam này thì đã từng có nhiều người e ngại kẻ khác biết mình là Kitô hữu. Sợ bị thua thiệt về đường công danh, lợi lộc hay học vấn mà nhiều người đã ghi vào lý lịch ba chữ “không tôn giáo”. Ngay cả đến hôm nay, trong các lớp học cấp ba, cao đẳng, đại học, khi mà một số thầy cô còn dè bỉu Công giáo qua các bài học về thuyết tiến hóa, về sự hình thành tôn giáo… Các thầy cô thường lấy chuyện Kinh thánh Ađam – Evà ra mà diễu cợt. Tôi đã nghe nhiều em học sinh, sinh viên thú nhận rằng những lúc ấy các em dường như không muốn ai biết mình là Công giáo. Nhiều thầy cô có thể vì thiếu hiểu biết hay vì cố tình xuyên tạc nên đã có những lời giảng dạy mang tính phê bình chỉ trích tôn giáo, cách riêng Công giáo. Rất nhiều em học sinh, sinh viên viên vì chưa hiểu biết giáo lý, nhất là Thánh Kinh nên có thái độ tự ti là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên bài viết này không trực tiếp đề cập đến cái thực tế đang tồn tại ấy. Xin được mạn bàn về cái dấu chỉ mà Chúa Giêsu nói đến trong đoạn văn Tin mừng Gioan 13,33-35. Dấu ấy là “các con yêu thương nhau”. Yêu thuơng nhau thì cũng có ba bảy đuờng yêu thương. Không phải hễ yêu thương nhau là ta đã là môn đệ Chúa Kitô. Để đích thực là môn đệ của Người thì ta phải “yêu thương nhau như Người yêu thương ta” ( x.Ga 15,12 ). Đây mới chính là dấu chỉ chính danh, chính hiệu.

Vậy thế nào là yêu thương nhau như Chúa Kiô yêu thương ta? Chúng ta vốn quen tai với những dẫn giải rằng phải yêu thương cho đến cùng, phải hiến dâng mạng sống vì người mình yêu, phải cúi xuống rửa chân cho nhau tức là hầu hạ nhau… Rồi phải yêu thương không chỉ người dễ thương mà còn cả những người dễ ghét, những người bắt bớ hoặc đang làm hại chúng ta. Yêu thương nhau như Chúa yêu là giang tay đón nhận cả người phản bội mình làm bạn hữu…Những dẫn giải trên không sai nếu không muốn khẳng định là rất đúng. Tuy nhiên, bản thân vẫn thấy còn lấn cấn chút gì đó trong thực hành.

Thế nào là yêu đến cùng đây? Không lẽ ta phải dùng chính cái chết của mình để minh chứng. Quả thật đã và đang có nhiều người sống yêu thương đến cùng như vậy. Thế nhưng ngoài các Thánh Tử Đạo thì có mấy ai chấp nhận chết vì yêu thương, chưa kể chết cho người tội lỗi. Cúi xuống để hầu hạ nhau ư? Vẫn có đó nhiều người xưng mình là tôi tớ, là đầy tớ mà đâu có chịu cúi xuống. Dù vậy, có ai dám to gan nói họ chưa phải là môn đệ của Chúa. Giang tay ra đón nhận nhau cả những khi họ là người công chính lẫn khi họ là người bất nhân, tàn ác, quả là không mấy dễ dàng. Và tính chất vị tha của tình yêu trong những cách thế ấy hình như chưa mấy rõ nét.

Yêu thương ai là nỗ lực làm cho người mình yêu phát triển và nên tốt đẹp hơn cả mình.

Một trong những cách thế yêu nhau như Chúa yêu ta mà Tin Mừng gợi ý, đó là làm cho người mình yêu được phát triển và gặt hái thành quả hơn cả mình. “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” ( Ga 15,16 ). “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa…” ( Ga 14,12 ).

Quả thật sau khi Chúa Giêsu về trời và Thánh Thần được ban xuống thì các Tông đồ đã làm được nhiều sự lạ cả thể hơn cả Thầy chí thánh. Các Ngài cũng chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, phục sinh kẻ chết, rao giảng Tin Mừng mà kết quả xem ra khả quan hơn Thầy khi Thầy còn tại thế. Xưa những ai đụng đến gấu áo của Thầy thì được chữa lành mọi bệnh tật thì nay chỉ cần bóng Phêrô phủ trên ai thì họ đều được chữa lành. ( x.Cv 5,15-16 ).

Chúng ta có thể đã cúi xuống hầu hạ một ai đó nhưng muốn họ hơn cả mình thì còn phải xét lại. Chúng ta có thể đã tận lực tận tâm lo cho một ai đó về thể chất hay tinh thần nhưng với ý hướng là muốn cho họ vượt qua mình thì cũng hơi khó. Một anh chị em dân tộc thiểu số thẳng thắn thú nhận rằng: con có thể giúp cho người xóm giềng làm ăn kinh tế nhưng muốn cho họ giàu hơn con thì con không muốn. Các em thiếu nhi cũng tự nhận rằng bày cho bạn làm toán thì được nhưng không muốn bạn ấy học giỏi hơn mình. Và chính bản thân tôi, một linh mục chính xứ đang có linh mục phó xứ và thầy phó tế phụ giúp, đã nhiều lần tôi hướng dẫn các ngài trong lãnh vực mục vụ và cách thế giảng dạy, tuy nhiên thử hỏi mình có thực tâm muốn thầy sáu hay cha phó có uy tín trước mặt bà con giáo dân hơn mình không. Một câu hỏi thật khó trả lời.

Không phải đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, không phải giữ luật tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, không phải siêng năng lãnh nhận các Bí tích, không phải chuyên chăm đọc kinh, lần hạt… là những dấu chỉ minh chứng ta là môn đệ Chúa Kitô. Những điều ấy tuy là cần nhưng không đủ. Bởi chưng vẫn đó nhiều người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, tham dự Thánh lễ Chúa Nhật đều đặn, thường xuyên lãnh nhận các Bí tích hay siêng năng lần chuổi kính Đức Mẹ mà vẫn sống “không ra người có đạo”, nói theo kiểu cách bình dân. Tất thảy chỉ vì một lẽ này : người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau, yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.

Yêu ai mà muốn người mình yêu nên tốt đẹp và phát triển hơn cả mình, đúng là một trong những dấu chỉ minh chứng đó là một tình yêu vị tha, một tình yêu vô vị lợi. Và chắc chắn đó là một trong những cách thế yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

 

*SỐNG ĐẠO TRONG MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

Tôi thường có dịp đi từ Thủ Đức và nội thành vào buổi sáng sớm. Từ khoảng 6 giờ đến 6 giờ 30 phút, trên đoạn đường từ ngã tư Bình Thái, nhất là từ ngã ba Cát Lái đến Hàng Xanh, là cả một dòng người đổ xô vào thành phố. Họ là dân ngoại thành đi làm việc. Tuyệt đại đa số là thanh niên, thiếu nữ. Nhìn họ đi xe đạp và ăn mặc rất giản dị, bình dân, ta có thể đoán chắc họ là những người lao động tay chân đơn giản. Tôi nhận thấy từ năm 1993 đến nay số dân đi trên đoạn đường này vào thành phố làm việc không ngừng gia tăng. Hình như đó là xu hướng không thể đảo ngược được.

Trong thế kỷ XX trên bình diện toàn thế giới, số thành phố có trên 1 triệu dân gia tăng gấp 18 lần và số thành phố trên 2 triệu tăng 28 lần. Theo dự kiến đầu thế kỷ XXI, 19 trên 25 thành phố lớn nhất hoàn vũ sẽ nằm trong thế giới thứ ba. Cuộc sống đô thị đã tạo ra một mẫu người đặc thù mệnh danh là "người đô thị" (homo urbanus), tương tự như người ta nói: "con người lao công" (homo faber), "người suy tư" (homo sapiens), "người kinh tế" (homo economicus) và "người tôn giáo" (homo religiosus)... để chỉ những chặng phát triển hoặc những thái độ sống căn bản của loài người.

Từ xóm làng lên thành phố, người thôn quê cảm nghiệm được sự tự do, ở đây họ sống trong bầu khí "vô tên tuổi": không ai biết mình, không ai "dòm ngó" mình, các áp lực nặng nề ở quê nhà, làng xóm không còn nữa, họ cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái..., cho đến ngày họ chợt thấy mình đơn độc giữa một môi trường bất nhân ...

Người thôn quê lên thành phố khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới mẻ. Bỗng chốc họ phải phản ứng lại những thái độ thành thị xa lạ với họ, đồng thời xem xét lại những quan niệm mà nơi làng xóm trước kia không đặt ra vấn đề gì cả. Sự dằng co giữa môi trường văn hoá nông thôn và môi trường văn hoá đô thị xảy ra đôi khi rất dữ dội nơi bản thân họ. Và họ có thể " đánh mất chính mình" trong cuộc xung đột này khi chạy theo những mặt hời hợt hoặc tiêu cực nhưng đầy hấp dẫn của cuộc sống đô thị thay vì hấp thụ lấy những giá trị đích thực của cuộc sống ấy.

Cuộc sống thôn quê thì đơn điệu, ít thay đổi, diễn tiến sát với nhịp tuần hoàn của bốn mùa thiên nhiên, do đó người thôn quê thường bảo thủ, cố chấp, thiếu bao dung. Trái lại cuộc sống nơi đô thị luôn luôn năng động, đa dạng, thay đổi hướng về cái mới. Người đô thị chỉ phát huy mình trong sự giao lưu, trao đổi, cạnh tranh và sáng kiến, quen sống trong một môi trường văn hoá "đa nguyên" với nhiều quan niệm và chọn lựa khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, họ dễ dàng có thái độ cởi mở và bao dung và cũng dễ rơi vào tương đối chủ nghĩa, coi mọi quan niệm và lối sống đều ngang nhau tùy theo chọn lựa của từng cá nhân và từng nhóm.

Sống trong đô thị người ta không có nhiều điểm tựa và những cái khung bảo vệ vững chắc cho sự phát triển thể lý, tâm lý và đạo đức như ở thôn quê; muốn đứng vững người ta phải có "bản lĩnh" hơn, có ý thức và tự chủ hơn để đương đầu với nhiều mời mọc cám dỗ hơn, chẳng hạn ai cũng biết là hôn nhân và gia đình được bảo vệ dễ dàng ở thôn quê hơn ở thành thị. Hoặc ngày chủ nhật trong các xứ đạo vùng quê người ta có thể làm gì khác khi mà cả nhà và cả xóm đều đi nhà thờ dự lễ? Ở thành phố thì khác.

Ví dụ vừa nêu cho chúng ta đoán thấy những khó khăn cho đời sống đạo mà một người Kitô hữu phải đương đầu khi bỏ làng mạc vào thành phố sinh sống hoặc làm việc. Biết bao thanh thiếu niên, và ngay cả người lớn tuổi không đứng vững trong lối sống đô thị và nếp sống đạo quen thuộc của xóm làng! Nếp sống này thường rất đơn giản, ít thắc mắc, nặng tính hình thức và xã hội. Đạo, trước hết là những điều phải tin mà người ta đón nhận không thắc mắc, và đạo cũng là những điều luật phải tuân giữ và những việc phải làm, nói chung là những việc trực tiếp liên quan tới tôn giáo. Như thế đạo là cái gì rõ ràng, rất dễ nhận diện và hầu như là có thể "đo lường" được vì thiên về các tiêu chuẩn hình thức. Người ngoan đạo thường là những người siêng năng làm các việc tôn giáo như đọc kinh, đi lễ, rước lễ, tham gia và đóng góp vào các sinh hoạt cộng đoàn. Nói theo các nhà xã hội học, đạo trong nền văn hoá nông nghiệp thường nặng tính quy ước (conventional) và xã hội. Nó khó đứng vững hơn trong môi trường văn hoá đô thị, một nền văn hoá "đa nguyên" và tự bản chất là "trung lập" xét về mặt niềm tin tôn giáo. (Ở Việt Nam ta cũng may là trong một số đô thị vẫn có nhiều xứ đạo sầm uất, và nếp sống đô thị nói chung đang mang những dáng dấp thôn quê cả nơi khung cảnh lẫn nơi con người).

Cũng như đối với đời sống "tự nhiên" nói chung, nơi đô thị đức tin phải được nội tâm hoá nhiều hơn song song với sự giảm sút của những biểu hiện bề ngoài của nó. Đức tin cũng phải trở thành riêng tư hơn; nó là của tôi vì tôi có xác tín và chọn lựa ý thức chứ không phải chỉ vì gia đình hay xã hội tin như thế. Nơi đô thị, đức tin sẽ bị phê phán và thử thách nhiều hơn, đòi hỏi người tín hữu phải có trình độ hiểu biết về đạo cao hơn và một đời sống nội tâm và cầu nguyện sâu hơn; họ bắt buộc phải mở rộng đời sống đạo ra, từ "thuần tuý" tôn giáo và giáo hội đến toàn bộ của cuộc sống. Hơn cả những việc làm, đức tin là một thái độ sống và một động lực cho toàn bộ đời sống. Nói tóm lại người tín hữu phải trưởng thành hơn.

Nếp sống đô thị (và dĩ nhiên là não trạng đô thị) không chỉ giới hạn cho những dân cư thành thị mà thôi. Với các phương tiện truyền thông hiện đại, nó cũng sẽ thâm nhập vào các làng xóm thôn quê Việt Nam. Xã hội ta mới chập chững bước vào hiện đại hoá thôi. Nhìn xa một chút, liệu chúng ta có thể hài lòng với đường lối giáo dục đức tin của Giáo Hội và đời sống đạo còn được coi là "sốt sắng" và yên ắng của người giáo dân hiện nay không?

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

(bài này được viết năm 1996)

SỐNG CHỨNG NHÂN

ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI TRE FONTANE, NGOẠI Ô ROMA

 

Cách đây đúng 60 năm, ngày 12-4-1947, Đức Mẹ đã hiện ra tại đồi huynh diệp Tre Fontane, ngoại ô Roma, với ông Bruno Cornacchiola.

 

Ông Bruno Cornacchiola sinh ngày 9-5-1913 trong một gia đình nghèo có 5 người con. Bruno chỉ đi học một năm, đủ để biết đọc biết viết. Sau đó cậu bé sống lang thang vất vưởng cho tới tuổi thi hành quân dịch. Mãn hạn, anh lập gia đình. Khi người vợ mang thai đứa con đầu lòng, Bruno quyết định tham gia chiến cuộc tại Tây-Ban-Nha. Nơi đây, anh quen một quân nhân Đức, theo hệ phái tin lành Luther. Quân nhân Đức nặng óc bài giáo sĩ và mang mối hận không đội trời chung với Giáo Hội Công Giáo. Ông áp đặt tư tưởng và đầu độc trí óc Bruno. Chiến tranh kết thúc, trở lại Roma, ông Bruno bắt buộc vợ con rời bỏ Công Giáo, chuyển sang Tin Lành. Cũng từ đó, nẩy sinh nơi ông ý tưởng ”ám sát Đức Thánh Cha Pio XII” (1939-1958). Ông luôn mang trong mình con dao bén, chờ dịp thủ tiêu Đức Giáo Hoàng!

 

Ngày thứ bảy 12-4-1947, ông Bruno Cornacchiola đưa ba đứa con dạo chơi: Isola, bé gái 10 tuổi, 2 bé trai Carlo 7 tuổi và Gianfranco 4 tuổi. Ông muốn lợi dụng dịp này để soạn bài diễn văn sẽ nói với nhóm trẻ Tin Lành vào sáng hôm sau. Sau đây là diễn tiến câu chuyện do chính ông Bruno kể.


Tôi có ý định đưa ba đứa con đi Ostia. Nhưng khi đến nhà ga, chuyến xe lửa đi Ostia vừa khởi hành. Tôi đổi hướng và đưa ba con đến đồi huynh diệp Tre Fontane. Sau khi xem xét địa thế, tôi thả ba đứa con tự do chơi đùa, rồi tìm bóng mát ngồi viết bài nói chuyện cho ngày mai.


Một thời gian ngắn trôi qua, bé Carlo đến xin tôi tìm giúp vật chơi bị rơi xuống đồi. Vì không tìm thấy, thỉnh thoảng tôi cất tiếng gọi Gianfranco. Ban đầu cậu bé đáp tiếng gọi, sau đó im bặt. Cảm thấy lo lắng, tôi đi về hướng Isola và Gianfranco đang chơi. Nhìn quanh nhìn quất một lúc, tôi mới trông thấy Gianfranco đang quì trước hang đá, đôi tay chắp trước ngực, mắt nhìn đăm đăm vào một đối tượng, miệng không ngừng lập đi lập lại:


- Bà Đẹp! Bà Đẹp!


Cảnh tượng làm tôi kinh ngạc. Bởi lẽ, từ trước đến giờ, chưa ai dạy bé cầu nguyện cả! Cùng lúc ấy, bé Isola mon men đến gần. Bé quì ngay xuống và nói luôn miệng:


- Bà Đẹp! Bà Đẹp!


Tôi quay sang nhìn Carlo và thấy cậu bé đã quì xuống đất, lập lại lời y như chị và em của bé:


- Bà Đẹp! Bà Đẹp!

 

Lòng tôi bùng lên cơn giận dữ tột độ. Tôi tìm cách lay tỉnh các con và kéo chúng ra khỏi chỗ đang quì. Nhưng chúng nặng như chì. Đầu óc tôi bỗng quay cuồng. Tôi nhìn vào hang đá và nói lớn tiếng:


- Bất cứ Người là ai, xin ra khỏi đó!


Không có tiếng trả lời. Tôi bắt đầu run lẩy bẩy và bật khóc. Tôi choáng váng gào to:

 

- Lạy Chúa, xin cứu con!


Kêu cầu xong, tôi nhận ra lời kêu cầu vừa phát xuất từ miệng tôi, lại không phải của tôi!


Bỗng chốc tôi thoáng thấy hai bàn tay trắng tinh, dần dần tỏ hiện sau màn sương mù. Xuyên qua sương mù, tôi cũng bắt đầu nhận ra một ánh sáng chói chang. Mọi vật chung quanh từ từ biến mất. Sau cùng tôi trông thấy chính Đức Mẹ. Đức Mẹ đang đứng trước mặt tôi, chân không, mặc áo trắng tinh với đôi mắt vô cùng hiền dịu. Đây chính là Bà Đẹp mà cả ba đứa con tôi đã nhìn thấy và giờ đây tôi cũng được diễm phúc chiêm ngưỡng. Đức Mẹ nói với tôi:


- Ta là Đấng ở trong THIÊN CHÚA Ba Ngôi, là Nữ Trinh Mặc Khải. Con bách hại Ta, nhưng từ giờ phút này, con sẽ không còn làm như thế nữa và con sẽ gia tăng hoạt động để đưa các linh hồn hồi tâm hoán cải. Khi con kể lại kinh nghiệm con, người ta sẽ không tin, nhưng con phải vững tin. Hãy tìm đến với vị Linh Mục, người sẽ chào con bằng lời này: 'Ave Maria, Kính Mừng Maria, hỡi con, con muốn gì?', và ngài sẽ chỉ cho con một Linh Mục khác với lời lẽ như sau: 'Vị Linh Mục ấy sẽ nghiên cứu trường hợp của con. Con hãy kể lại hết cho ngài'. Hãy trở lại đàn chiên và hãy tuân phục!

Rồi Đức Mẹ nói tiếp với ông Bruno Cornacchiola về những chuyện liên quan đến Đức Thánh Cha, đến Hội Thánh, đến các Linh Mục và các tu sĩ nam nữ .. Sau một tiếng đồng hồ đối thoại, cuộc chiêm ngắm tuyệt vời biến mất. Ông Bruno vẫn quì im bất động, không đủ sức đứng lên. Ba đứa con ông phải đến lay ông bừng tỉnh. Cả bốn cha con trở về nhà. Hôm ấy là ngày thứ bảy 12-4-1947.


Từ đó đến nay đúng 60 năm trôi qua. Cụ Bruno Cornacchiola đã trung thành trong công tác đưa các linh hồn hồi tâm trở về cùng THIÊN CHÚA và Giáo Hội Ngài, cũng như trở về với Hiền Mẫu MARIA và Thánh Cả GIUSE. Cụ êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày 22-6-2001, hưởng thọ 88 tuổi.


(Paolo Risso, ”Strade Nuove con la Mamma”, Casa Mariana, Frigento (AV), 1995, trang 117-128).

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

Tâm lý Giáo dục :

 

NIỀM VUI VÀ KHOÁI LẠC?

 

 

 “Làm sao sống được mà không vui,

Không hát, không ca miệng mĩm cười…”

Hoa Dại – Phóng tác thơ Xuân Diệu

 

 I. NIỀM VUI

 Nghe nói đến niềm vui chúng ta thấy nhẹ nhõm, và thoải mái

 1. Niềm vui thật đồng nghĩa với sự hài lòng, bình an, tin yêu và phấn khởi … Niềm vui thật êm đềm và là một trạng thái kéo dài nhẹ nhàng, thanh thoát. Cha De Mello phân biệt có hai loại niềm vui. Niềm vui thế gian và niềm vui của tâm hồn.

Những cảm xúc khi được ca ngợi, được tán thưởng, được nhìn nhận, được hoan hô, khi thành công, nổi tiếng hay gặp vận đỏ, hoặc khi mình thắng thế, cũng như khi có  quyền lực, nhiều người kính cẩn, chờ lệnh… Đây là niềm vui do cảm xúc thế gian mang lại vì chúng phát xuất từ sự cao ngạo, tự mãn về bản thân, do lòng ham muốn vị kỷ, hoặc phát sinh bởi sự ăn khớp với những giá trị mà xã hội và nền văn hóa đề cao. Sau những phút giây mà niềm vui này đem lại có thể là sự trống rỗng, hụt hẫng, mất mát, vì những thứ nêu trên sẽ qua đi ngay, không tồn tại, nó thuộc về quá khứ.

Niềm vui của tâm hồn là niềm vui dâng lên khi chúng ta chiêm ngưỡng cảnh bình minh, ngắm một làn mây bay, hòa mình với thiên nhiên. Hay khi đọc được một cuốn sách hay, nghe được một đoạn thơ, một khúc hát ý vị. Niềm vui khi chúng ta yêu thích một công việc; say sưa, để mình được cuốn hút và dấn thân hết mình vào đó. Niềm vui của sự gần gũi chuyện trò với bạn bè, người thân. Niềm vui khi chấp nhận thực tế, khi hoàn thành bổn phận hay vượt qua được một nghịch cảnh, hài lòng về những gì mình đang có…

 2. Có những niềm vui đã được đặt để sẵn trên đường đời chúng ta đi trong cuộc sống thường nhật. Chúng ta chỉ cần mở mắt, lắng tai hay chú ý một chút là bắt gặp được. Nếu tỉnh thức đủ, chúng ta có thể lượm lặt và sàng lọc từ những hạt cát, từ đất bùn, vì đời lắm nhiêu khê, nhưng cũng có những hạt vàng vương vãi trên hành trình cuộc sống; chúng quá đơn giản, vì thế nhiều lúc chúng ta lướt qua mà không biết.

Một nụ cười hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ.

Một lời khôn ngoan của các vị cao niên.

Một cái nhìn cảm thông, động viên.

Một lời đồng cảm.

Một cử chỉ quan tâm.

Ai đó hiểu mình.

Một ngụm nước hay tắm mát sau một ngày lao nhọc.

Một bản nhạc vui gây phấn khởi.

Một tô phở nóng hay một trái cây ngọt lịm…

Sau giấc ngủ nhẹ nhàng.

Một công việc vừa hoàn tất, như nấu xong một bữa cơm, giặt giũ hay lau quét nhà cửa. Làm xong bài tập hay hoàn thành một kỳ thi…

Thưởng thức khí mát, trăng thanh, núi đồi, cỏ cây hoa lá, tiếng dế, tiếng chim hay tiếng ve sầu…

Nếu chú ý một chút, chúng ta có thể nhặt được không chỉ một, mà cả túi niềm vui mỗi ngày, mỗi tuần và cả một kho lớn trong đời. Thật vậy, Voltaire đã rất có lý khi nói rằng:

“Niềm vui ở trong tất cả, hãy tìm cách rút nó ra”.

 3. Có những Niềm vui chúng ta chỉ có được bằng cách đầu tư, trả giá. Niềm vui lớn nhỏ thường tỉ lệ thuận với những cố gắng thắng mình, những nỗ lực, kiên trì chịu đựng, chiến đấu với bản thân, của sự từ bỏ, hay chọn lựa… của xin vâng hay của sự từ khước như:

Miệt mài học xong một môn học, một ngành học…

Làm xong một nhiệm vụ khó khăn.

Cai được một loại nghiện: nghiện thuốc, bia, tình dục… ngay cả nghiện việc.

Nói không với sự rủ rê của bạn bè vào con đường hay giải trí thiếu lành mạnh.

Nói không với một mối tình ngang trái.

Nói không với mối lợi nhuận lớn nhưng thiếu đạo đức.

Tự chủ không nói hay làm điều gì hạ giá hoặc xúc phạm người khác.

Kiên trì dấn thân vào một công việc có ích, hay giúp đỡ ai đó…

Làm việc hết mình, trách nhiệm và chu đáo.

Tiết kiệm, không phung phí hay hưởng thụ quá mức.

Niềm vui khám phá, học hỏi, tìm tòi.

Niềm vui thắng bản thân mình: làm chủ một ham muốn, một thôi thúc, cơn giận, hoặc sự trả thù…

Niềm vui cho đi, chia sẻ: tinh thần, vật chất, thời giờ, tiền của, công sức…

 4. May mắn cho chúng ta, niềm vui có thể đến từ nhiều nguồn khác nữa:

 4.1 Niềm vui phát sinh từ sự chọn lựa một thái độ sống tích cực trước các sự việc, biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống. Nhiều người cùng nhìn một thứ, trải qua một kinh nghiệm, nhưng mỗi người thấy và cảm nhận khác nhau tùy ở thái độ của chúng ta lựa chọn.

“Hai người nhìn qua song cửa, kẻ thấy bóng đêm, kẻ thấy sao”.

4.2 Niềm vui còn do tài khéo và sự khôn ngoan của mỗi người biết hoán chuyển: biến họa thành phúc, rút sự lành ra khỏi sự dữ, biến cái tiêu cực thành tích cực, vẽ đường thẳng trên những đường cong. Học hỏi từ thất bại, rút kinh nghiệm từ những đổ vỡ… như:

Lợi dụng thời gian thất nghiệp chúng ta tìm tòi học thêm một điều mới, hay tiếp tục việc học dang dở.

Khi lỡ một chuyến xe, ta dùng thời giờ làm quen với một người mới hay cầu nguyện.

Đã một lần kinh nghiệm bị bạc đãi, quyết dùng thời giờ, công sức xoa dịu kẻ lạc loài khốn khổ…

4.3 Sự tập luyện sẽ đem lại nhiều thành quả và niềm vui lành mạnh: Cuộc sống này là một trường học không có ngày ra trường. Trường đời có biết bao nhiêu thứ để học, để khám phá. Niềm vui do thủ đắc, do tập luyện là thứ niềm vui chắc, bền và an toàn. Đây là niềm vui của những kẻ làm chủ được bản thân.

Tập theo sát mục tiêu hay kỷ luật đã đề ra.

Duy trì những thói quen tốt và giảm thiểu những thói quen thiếu lành mạnh.

Giúp đỡ hay làm tốt, nói tốt nghĩ tốt cho một ai… xét ý ngay lành.

Đúng giờ, đúng hẹn và giữ chữ tín.

Nói năng cẩn thận, quảng đại lời động viên khuyến khích, nhưng tiết kiệm lời chê, trách, than phiền.

Suy nghĩ chính chắn trước khi hành động.

4.4 Hài lòng với những gì mình có, chấp nhận thực tế của bản thân, của hoàn cảnh. Một người biết tử đủ thì khi nào cũng đủ, biết dừng thì không tụt dốc, không tranh đua để rồi không bị cạnh tranh chèn ép hay ganh ghét tị hiềm. Sống như thế sẽ có tâm an, và niềm vui thanh thoát luôn ngự trị trong lòng những người bình an.

Không so sánh, không thèm thuồng vị trí của ai, cũng không than phiền về những gì mình không có…

Không cần phải giống hay bằng người ta.

Không ham muốn phải hơn người.

Biết giá trị của bản thân và trân trọng chúng.

Không quan trọng hóa những gì người ta nghĩ về mình, nếu thấy lòng mình ngay thẳng, trong sáng là đủ.

Không dằn vặt, hành hạ mình bởi những chuyện sai sót nhỏ, mà chỉ cần rút kinh nghiệm, rồi an tâm tiến bước.

Nìềm vui có muôn ngàn khuôn mặt. Những gì đem đến sự lành mạnh, an bình, giúp chúng ta lớn lên đó là niềm vui chân chính. Bên cạnh đó cũng có nhiều thứ mang lại cho chúng ta sự hứng khởi và vui thích; nhưng hệ quả của nó không đem lại giá trị hay xây dựng cho bản thân. Chúng là những khoái cảm, những cảm xúc đem lại hưng phấn nhất thời, vì thế chúng ta rất có thể nhầm lẫn.

 

 II NIỀM VUI và KHOÁI LẠC – (Joy and Pleasure)

Nhiều thứ trong đời có hấp lực rất lớn, cuốn hút chúng ta vào và khó cưỡng lại, vì chúng mang đến cho chúng ta những cảm giác mạnh, những lúc hào hứng, làm lòng lâng lâng khoái chí, vui thích… lên mây!

Trốn học đi chơi cũng vui thú lắm chứ!

Mối tình vụng trộm cũng rất hấp dẫn.

An nhậu hả hê cũng đem lại nhiều thích thú.

Hít vài hơi cho lòng lâng lâng cũng thỏa thích.

Làm những gì mình thích, bất kể… thử nghiệm, rượu, thuốc, tình dục…

Chơi game, chat tìm bạn bốn phương thâm đêm mãn ngày.

Trả thù: đắc thắng vì đã trả được mối hận.

Làm được điều che mắt người khác… khoái chí vì đã che mắt được người ta.

Cá độ: những phút giây hồi hộp hoặc sung sướng khi thắng cuộc.

Chúng ta có thể nhận thấy đâu là niềm vui chân thật qua những hệ quả chúng để lại: bịnh tật, mất mát sức khỏe, danh dự cùng tiền của, giảm giá trị, mất uy tín, lòng tin và sự tôn trọng, mất thì giờ, và có khi mất cả cuộc đời…

Chúng ta, nhất là các bạn trẻ xin đừng quên: “Khôn ba năm, dại một giờ”. Điều này không chỉ dành cho giới phụ nữ, mà ai cũng có thể bị những sức hấp dẫn của nhiều thứ như: cá độ, bài bạc, hút xách, của tình si hay hận thù ghen ghét làm mờ đi lý trí và rồi trong chốc lát có thể hủy hoại công trình bao nhiêu năm xây dựng.

Trước những vui thú đem đến sự “hủy diệt” này, nỗi băn khoăn, trăn trở là làm sao chúng ta trở nên tỉnh thức để tránh vấp ngã, mất mát… Có những thứ suốt cả đời người không thể tìm, không thể mua hay không thể chuộc lại được. Một đề nghị nho nhỏ như một lời “thần chú”, mong rằng chúng ta có thể dùng mỗi khi đối diện với những cạm bẫy của các thú vui nhất thời. Một lời nhắc nhủ chúng ta biết dừng, biết đủ, biết chạy trốn hay biết từ chối. Làm sao để lời này “tự động” bật lên trong trí như một điệp khúc, cảnh tỉnh chúng ta:

“Cơn vui chốc lát, cơn sầu ngàn năm”.

Giúp con em có được những nguồn vui trong sáng trong đời là một quá trình giáo dục và hướng dẫn cũa phụ huynh. Thái độ lành mạnh trong đời chính là hành trang mà con em chúng ta thật sự cần. Chất lượng cuộc sống của con em tùy thuộc vào sự quan tâm của phụ huynh.

 

NT. M. Thécla Trần Thị Giồng

Dòng Đức Bà

 

ĐỌC SÁCH

 

 

THÁNH LỄ VÀ ĐỒNG 50 RÚPPI

 

Tuần này tôi ghi tên dâng lễ sáng cho các sơ Dòng Kín. Tôi muốn tìm mọi cơ hội để biết thêm những sinh hoạt tôn giáo trong những ngày ở Ấn. Bây giờ giữa tháng Hai. Trời miền trung nước Ấn mang dáng dấp khí hậu sa mạc. Ban đêm nhiệt độ khoảng 8 hay 10 độ Celsius, nhưng ban trưa có thể lên tới 35 độ. Sáng sớm trời se se lạnh, một quãng đường ngắn, tôi đến nhà nguyện các sơ lúc 6 giờ 15, dâng lễ lúc 6 giờ 30.

 

Sáng đầu tiên hơi bỡ ngỡ. Trong phòng thánh, áo lễ dọn sẵn. Chiếc áo alba quá dài, thụng thịnh. Một phong thư tự làm lấy bằng loại giấy viết thư mỏng để bên cạnh, dán kín, tôi biết trong đó có tiền, vì bên ngoài đề ý xin lễ cho linh hồn sơ Clare mới qua đời tháng trước.

 

Sau này, được biết trung bình một ý lễ 30 rúppi. Phong thư tôi nhận ý lễ thứ nhất ở Ấn Độ hôm đó 50 rúppi. Nói thật hay nói cho vui, các cha trong nhà dòng bảo tôi là cha khách nên các sơ mới cho bổng lễ "béo" như vậy đó.

 

Đổi chợ đen, một đô la Mỹ ăn 46.10 rúppi, đổi chính thức được 45.50. Dân lao động bình thường lãnh khoảng 70 rúppi một ngày. Lao động phu trộn hồ khoảng 100 rúppi. Ở quê lao động, phụ nữ lãnh 30 rúppi.

 

Tôi còn nhớ cảm xúc khi mở phong thư nhìn 5 tờ rúppi cũ nhàu, mỗi tờ 10 đồng. Ý bổng lễ đầu tiên tôi nhận trên đất Ấn.

 

Lúc rời Orange County, Cali, một cha quản nhiệm và mấy anh chị em Cursillo gởi tôi ít bổng lễ mười đô la. Tức một bổng "lễ Mỹ" khỏang 460 rúppi. Nhìn 50 đồng rúppi cũ nhàu, dơ, tội nghiệp những người lao động, nhưng tôi cũng cười thầm với mình. "Chúa ơi, bổng lễ 50 rúppi, có lẽ là khá rồi, một ngày lương lao động của người nghèo. Nhưng thế này thì con lỗ 9 đô la! Chúa biết, con đang dâng bổng lễ 10 đô cơ mà!"

 

Đã lâu, hôm nay tôi mới lại có những cảm xúc linh thiêng về bổng lễ của người xin. Sau khi thụ phong linh mục, việc mục vụ đầu tiên, nhà dòng gởi tôi về trại tỵ nạn. Những ngày đầu của một linh mục mới ra trường, có những cảm xúc, những nôn nao, những nhiệt thành, những khát vọng rất bao la. Một trong những ý nghĩ nôn nao là không biết mình dâng lễ ra sao, cuộc sống linh mục thế nào. Tiểu sử Thánh Ignatio ghi lại, sau khi thụ phong linh mục, ngài không dâng lễ mở tay ngay, nhưng đợi một năm sau, chỉ vì muốn chuẩn bị cho thánh lễ đầu tay! Sau này trong đời, Ngài khóc trong nhiều thánh lễ, khóc lúc chuẩn bị mặc áo, khóc lúc dâng lễ, khóc sau khi dâng lễ. Những nhà nghiên cứu hôm nay dựa vào cuốn tự thuật của Ignatio, xếp Ngài vào hàng các thánh có kinh nghiệm thần bí thiêng liêng.

 

Linh mục mới ra trường nào cũng có những nôn nao về cuộc sống đầu đời linh mục của mình. Quyết định trước khi lên đường của tôi là sẽ không nhận bổng lễ, lấy cớ họ tỵ nạn không có tiền. Tôi cắt nghĩa cho họ dùng tiền ấy trong lúc túng thiếu mà sống, hoặc làm việc bác ái, giúp đỡ người túng quẫn sống chung quanh mình như bổng lễ dâng Chúa. Hồi ấy trong trại tỵ nạn có nhiều người người túng thiếu. Trường hợp có người không yên tâm khi tôi không nhận bổng lễ, họ như sợ lễ ấy không thành cho họ, những trường hợp như thế, vì họ, tôi nhận. Những ngày tỵ nạn trôi qua, hôm nay mới lại có những cảm xúc nhìn những đồng rúppi lao động của những tâm hồn đi tìm ơn thánh. Một cơ hội để nhìn lại ý nghĩa thánh lễ và sự thánh thiện của bổng lễ.

 

Trong bốn đẳng cấp Hindu (Caste system: Brahmans, Kshatriyas, Vaisays, Sudras), đẳng thứ tư được ví như chân, hạng người thấp nhất, làm những công việc nặng nhọc, kẻ hầu hạ. Sinh ra trong đẳng cấp nào, gắn trọn đời với đẳng cấp ấy. Nó là định mệnh. Sinh ra hẩm hiu, sẽ mang thân phận thấp hèn. Ấn giáo với những đẳng cấp này đã có từ 3000 năm trước công nguyên. Lấy được độc lập từ người Anh, mãi đến năm 1957 hiến pháp Ấn Độ mới bãi bỏ chế độ đẳng cấp. Nhưng đấy là lý thuyết thôi. Thực tế lại khác.

 

Tôi đã đi qua quãng đường trước cổng nhà dòng nhiều lần. Có đến hơn chục "nóc gia". Họ sống tụm lại thành một xóm, cạnh đường lộ. Không biết họ có bà con làng xóm với nhau không. Khói xe, bụi đường, ô nhiễm bẩn thỉu là không khí họ hít thở đêm ngày. Trời nóng, họ ngồi dưới những tấm nylon che nắng. Không thấy đàn ông, có lẽ họ đi làm. Con nít đen đủi, dơ dáy, không quần áo nghịch đất rác chung quanh rãnh nước đen. Đã nhiều lần đi qua, tôi muốn chụp mấy tấm hình nhưng không dám. Không phải thắng cảnh thiên nhiên. Không phải sở thú. Họ là con người. Tại sao lại chụp hình. Họ nghĩ gì khi kẻ lạ đưa ống kính máy ảnh trước cuộc đời họ. Tâm trạng họ nghĩ gì về thân phận cuộc đời? Nếu họ đến chặn hỏi tại sao chụp hình, tôi biết trả lời sao. Đã cả tháng qua, tôi chưa chụp được tấm hình nào của những con người trước mặt Chúa, Nước Trời cũng thuộc về họ, nhưng trước mặt đồng lọai, họ sinh ra không được bình đẳng. Những người như thế sống thành từng chùm, xóm, rải rác nhiều nơi. Và dĩ nhiên làm gì có nhà vệ sinh, họ tiểu tiện đầy chung quanh nơi họ sống. Ruồi và mùi khai nồng xú uế.

 

Dân số Ấn Độ hơn một tỷ người. Hindu là tôn giáo có lịch sử lâu đời hơn Kitô Giáo nhiều. Theo truyền thống kể lại, Thánh Tôma tông đồ đã đến rao giảng Tin Mừng ở Ấn. Nhưng phải đợi đến thế kỷ 16 với với các thừa sai như Phanxicô Xavier qua truyền giáo mới rửa tội được một số. Công Giáo chỉ là thiểu số, 1.5% so với một tỷ người, đa số gốc gác đến từ đẳng cấp thấp này. Tôi không nghĩ những người sống ở khúc đường gần cổng nhà dòng có ai Công Giáo. Nếu giả sử có gia đình nào đó, làm sao họ có thể xin lễ với 50 rúppi.

 

Tôi nghĩ một ngày nào đó, tôi dâng cho họ một "thánh lễ Mỹ". Tôi nhận bỗng lễ anh chị em bên Cali gởi là mười đô la, tức 460 rúppi một ý lễ. Một ngày nào đó, ngang qua, tôi cho họ món quà 460 rúppi, lương lao động cả tuần vất vả.

 

Mỗi lần đi ngang qua nhìn họ, tôi lại nghĩ, một ngày kia tôi cũng chết như họ thôi. Gặp nhau trên Nước Trời, họ bình đẳng như tôi, họ mừng vui vì hết những ngày không còn đẳng cấp. Tôi nói chuyện gì với họ về kỷ niệm nhìn những ngày tháng thấy nhau trên cuộc đời trần gian?

 

Thánh Lễ là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô ôm trọn nhân loại trong sự thương xót cứu rỗi. Trong tác phẩm Hymn of The Universe , bài Thánh Lễ Trên Địa Cầu, The Mass on the World, Teilhard de Chardin kể lại năm 1923 ở sa mạc Á Châu, (có lẽ vào ngày lễ Chúa Biến Hình) ngài quá ước ao dâng lễ mà không có bánh, không có rượu, trong lúc khắc khoải vì không tìm được của lễ, ngài tự nhủ sao không lấy chính cuộc đời mình mà dâng lễ, đâu cần bánh rượu. Trong thánh lễ siêu nhiên ấy, ngài đã lấy cả địa cầu là bàn thờ, đôi chân đứng trên bàn thờ ấy dâng hiến cả vũ trụ cùng với con người mình thay bánh rượu. Và ngài thấy thánh lễ ấy như rực lửa. Ngài viết: "Ôi, lạy Chúa, con không có bánh, không có rượu, không bàn thờ dâng lễ. Băng qua mọi hình thức này, con, linh mục của Chúa đây, sẽ dâng lên chính con, con sẽ lấy cả trái đất làm bàn thờ, con sẽ dâng Chúa mọi nhọc nhằn, mọi vất vả đau khổ của trần gian." Teilhard de Chardin đã không thực sự dâng lễ bằng bánh rượu, vì không tìm đâu ra. Lòng ước ao thôi thúc ngài dâng lễ thiêng liêng đã để lại 19 trang viết như một trong những suy tư đẹp nhất, thi vị nhất của thế kỷ về mầu nhiệm thánh lễ trong tác phẩm Hymn of The Universe . Ngay đời ngài cũng là một thánh lễ tuyệt vời. Là một khoa học gia nghiên cứu sự sống thời tiền sử với thuyết tiến hóa, một nhà nhân chủng và địa chất học trong cái nhìn thần học và triết học. Một khuôn mặt lỗi lạc của Giáo Hội cũng như trong giới trí thức bác học. Lúc còn sống, suy tư của Ngài gây nhiều tranh luận, không được phổ biến, mãi sau khi chết rồi các tác phẩm ấy mới được phục hưng vì tư tưởng của ngài vượt quá cách suy nghĩ của một số người trong Giáo Hội đương thời lúc đó. Vậy mà ngài im tiếng vâng lời.

 

Nói về lễ vật, Teilhard de Chardin viết: "Lạy Chúa, chén thánh và đĩa thánh của con là chiều dài sâu thẳm nhất của một linh hồn mở rộng ra đón nhận tất cả vũ trụ, và trong chốc lát đây, sẽ cùng tất cả mọi ngõ ngách của trái đất này từ tốn, hợp với Thánh Thần dâng lên Chúa." Trong thánh lễ vô hình ấy, Teilhard de Chardin thấy Thần Khí như rực lửa cháy trên địa cầu. "Tất cả mọi sinh vật trong ngày hôm nay, đang nẩy chồi, đang kết trái, đang rộ hoa chín mùa đều mang một ý nghĩa tuyên xưng: Này là Mình Ta. Và ngay cả sự chết tiềm ẩn đang đợi chờ, đang tàn úa, đang phai mầu cũng đều mang một ý nghĩa sâu thẳm trong mầu nhiệm đức tin, tuyên xưng: Này là Máu Ta." Trong ý nghĩa kết hiệp với mầu nhiệm thánh thể, Teilhard de Chardin viết tiếp: "Xin Chúa đổ vào chén lễ đời con nỗi đau của xa lìa, yếu đuối vì giới hạn, những hoài nghi trăn trở, rồi bảo con: Hãy nhận mà uống đi. Lạy Chúa, làm sao con có thể từ chối được khi Chúa đã đổ vào cốt lõi tủy xương sự sống của con lòng ước ao kết hiệp với Chúa ở thế giới đời sau qua cái chết." Không bánh, không rượu, không bàn thờ, trong thánh lễ không hình thức này, Teilhard de Chardin cảm nghiệm toàn thể vũ trụ, mọi sinh vật, mọi gian lao, mọi đau khổ hòa tan lại thành bánh. Trước khi viết Thánh Lễ Trên Địa Cầu năm 1923, vào năm 1917 trong tác phẩm Linh mục, The Priest , Teilhard de Chardin đã viết: "Qua việc nhập thể, Đức Kitô biến tấm bánh thành Thân Thể Ngài, Đức Kitô không giới hạn trong tấm bánh mà vượt qua đó bao trọn vũ trụ. Qua một nguyên tố của vũ trụ là tấm bánh đó, Ngài lôi kéo toàn thể vũ trụ vào Ngài." Nhìn thánh lễ như thế, nên Teilhard de Chardin khi nhìn Chúa đến với một tâm hồn, không đơn giản là chỉ với cá nhân đó. Teilhard de Chardin nhìn tất cả nhân loại liên kết với nhau. "Kẻ tin cũng như người không tin, hãy làm chúng con kêu lên rằng: Ôi, lạy Chúa, hãy làm cho chúng con nên một." Riêng về linh mục, Teilhard de Chardin viết: "Qua lời truyền phép: Này là Mình Ta. Tấm bánh thành mầu nhiệm Thánh Thể. Những lời này vượt qua giới hạn của tấm bánh, chảy tan vào vũ trụ, tòan thể vũ trụ ảnh hưởng vì lời truyền phép này."

 

Thánh lễ của tôi không ở trong hoàn cảnh thiếu bánh rượu như Teilhard de Chardin. Không đủ lòng sốt sáng như Teilhard de Chardin. Nhưng trong suy tư thần học của Ngài, thánh lễ tôi dâng cũng chảy tan vào vũ trụ như thế, và phải như thế, cũng nối kết những liên hệ như thế, vì đấy là ơn sủng của Chúa thiết lập qua nhiệm tích Thánh Lễ, chứ không phải vì tôi là linh mục.

 

Nếu một chiều nào đó, tôi đi chậm lại trước khúc đường ấy, nhìn sự vất vả vì sinh ra trong số phận hẩm hiu của họ, tối về nhìn họ trước mầu nhiệm Thánh Thể, rồi sáng sau tôi dâng cho một thánh lễ "free". Nghĩa là sau khi dâng lễ theo ý chỉ với bổng lễ mười đô, tôi đem mười đô ấy mua mấy chậu thau nhựa, một tấm áo, mấy cục xà bông cho các con em trong nhóm người đó, hoặc một gia đình nào đang có ai đau ốm, chắc tôi sẽ có những cảm nghiệm quý lắm về thánh lễ trong mầu nhiệm thân xác Chúa Kitô và sự túng thiếu của con người. Chắc tôi sẽ có những cảm nghiệm rất thiêng liêng về bí tích tôi cử hành. Nếu có người cha nào đang mệt sức lao động, tôi cho họ một thánh lễ "free" để ông ta được nghỉ ngơi mấy ngày, không phải lo âu phần ăn cho gia đình, nếu tôi làm như thế, chắc tôi sẽ cảm nghiệm sâu xa lắm trong mầu nhiệm liên đới giữa con người với nhau. Thánh lễ là mầu nhiệm. Bổng lễ anh chị em gởi tôi, chắc họ cũng mong có những cơ hội tôi đem của lễ đó nối kết họ với nhau trong ý lễ thiêng liêng.

 

Là người dâng lễ, The Priest, linh mục có những cơ hội để cảm nghiệm thánh lễ một cách vô cùng phong phú mà giáo dân không có. Teilhard de Chardin đã dâng thánh lễ trong sa mạc không bánh, không rượu, không bàn thờ. Thánh lễ đó đối với Teilhard de Chardin có là thánh lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời?

 

Tuy nhiên, giáo dân có những cảm nhiệm khác, như Mẹ Têrêsa Calcutta chẳng hạn. Một lần về Việt Nam, tôi gặp Mẹ Têrêsa ở Hà Nội, cứ chín giờ sáng Mẹ vào dâng lễ trong tòa giám mục với Đức Hồng Y. Một sơ trong nhóm người đi cùng với Mẹ bảo tôi: "Mẹ quý Thánh lễ lắm, nếu máy bay ném bom, Mẹ cũng dâng lễ xong mới chạy."

 

Tôi quên câu chuyện Mẹ Têrêsa với Thánh lễ. Qua Ấn này mới lại nhớ đến chuyện đó. Và lần này chắc khó quên. Mẹ Têrêsa nhắn nhủ các linh mục, trong phòng áo lễ nhà dòng của Mẹ, trước bàn mặc áo, nơi các linh mục chuẩn bị ra dâng lễ có hàng chữ:

 

 Xin Cha dâng lễ này như Thánh lễ mở tay,

như Thánh lễ cuối cùng,


và như Thánh lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời.

Ấn Độ tháng 2, 2001

 

 

Nguyễn Tầm Thường